0

    Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng.

-25%
Yêu Trong Hoàng Hôn - Ngọc Linh

Yêu Trong Hoàng Hôn - Ngọc Linh

89,250₫ 119,000₫
Tình trạng : Còn hàng
  • Thương hiệu: NXB Văn Hoá Văn Nghệ
   Cho vào giỏ hàng
   Mua ngay

Trích đoạn:

(1)    

Anh Bình thân mến,

Em không thể ở lại thêm phút giây nào nữa, vì em không còn đủ can đảm để giấu giếm anh một chuyện đau lòng.

Cô Thanh sẽ thay em mà nói sự thật. Chừng đó anh mới hiểu được nỗi khổ tâm của em trong ngày nay.

Đi hay không? Nói thật hay giấu giếm suốt đời? Những câu hỏi đó cứ ám ảnh em luôn suốt đêm rồi.

Riêng đối với anh! Không hiểu tại sao em còn đem lòng thương yêu làm chi nữa. Bao nhiêu lần, em xua đuổi hình bóng của anh ra khỏi tâm hồn em, nhưng mà không được.

Cái dáng nghiêm nghị, tâm hồn thanh cao của anh bắt buộc em phải nhớ tới… với tất cả niềm yêu kính sâu xa.

Chúng mình gặp nhau quá muộn phải không anh? Vậy mà dây oan trái còn ràng buộc lấy chúng ta!

Từ đây, chắc là xa nhau vĩnh viễn, nhưng cho đến khi sức cùng lực tận, em vẫn không quên anh đâu.

 

(2)

Yến Ngọc liếc mắt ngó nàng rồi cúi xuống. Đôi mắt đen và dài của thiếu nữ gợi nàng nhớ đôi mắt của Tư Hạnh, chàng thanh niên mà nàng hết dạ yêu thương trong những ngày xa xưa ở quê hương.

Những ngày đó đã chìm sâu vào dĩ vãng, nhưng trong lòng nàng vẫn còn lưu dấu những kỷ niệm khó phai mờ.

… Thuở ấy, Thanh còn là nữ sinh trường áo tím, còn Hạnh vừa đỗ bằng Thành chung và mới rời trường Trung học Lê Bá Cang. Họ quen nhau vào những ngày đầu kháng chiến, dân mình còn chống thực dân bằng tầm vông vạt nhọn.

Nhiệt thành yêu nước, ý thức được trách nhiệm của mình trước họa xâm lăng, cả hai đều gia nhập tổ chức Thanh niên Tiền phong.

Từ đó, họ có dịp sống gần nhau, nên đã cảm thông tánh tình, đức độ.

Tình yêu đến với họ lúc nào không biết, nhưng cả làng đều đồn đãi chuyện hai người. Có lẽ tại hai người rất xứng đôi và ai nấy đều muốn có sự tác hợp đó!

Rồi quân Pháp chiếm Vĩnh Long, súng nổ vang trời dậy đất. Trong làng, các gia đình khá giả đều rục rịch tản cư.

Hạnh theo đoàn quân kháng chiến, trong lúc Thanh lại cùng gia đình tản cư ngược ra thành phố để tránh tai họa bất kỳ.

Hai người bặt tin nhau một thời gian khá lâu: gần năm sau mới liên lạc thơ từ được.

Hạnh vẫn yêu nàng, còn Thanh tiếp tục học thêm và quyết lòng chờ đợi ngày người yêu trở lại!

Chàng càng đi xa, tin tức càng vắng và sau cùng bặt luôn.

Năm năm sau, Thanh được tin Hạnh đã lấy vợ và có con. “Tiểu gia đình” của chàng đã trở về Cái Muối!

Thật như sét đánh ngang tai! Nàng khóc mấy đêm dài, trong lòng oán hận kẻ bội bạc đã làm dang dở tình nàng.

Thanh thi vào nhà thương Từ Dũ để học khoa sản phụ, tâm hồn luôn luôn nuôi dưỡng mối hận đối với đàn ông!

Nàng quyết không lấy chồng, nên gặp những sinh viên y khoa sắp ra trường tỏ tình thân thiết, nàng “lạng” ra hết, không chút ân hận.

Thanh thường phổ biến quan niệm của mình với các bạn: “Đàn ông, họ yêu không cần suy nghĩ trước nên dễ quên, còn đàn bà, con gái chúng mình quá thận trọng nghĩ suy, nên suốt đời vẫn nhớ!”.

Trên “lý thuyết” các cô bạn đều hoan nghinh quan niệm của Thanh, nhưng trong thực tế họ đều “phản bội” nàng!...

Cuối niên học, kiểm điểm lại, chỉ có mình Thanh là “đơn chiếc”… Hầu hết đều hứa hẹn hay là có người yêu.

Thanh càng thua buồn và chán nản sự đời hơn.

Nghỉ hè năm đó, nàng có nhận được thư của Hạnh. Bức thư viết thật dài.

Thì ra, Hạnh vì bịnh lao mà phải bỏ dở cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài…

Chàng giãi bày hoàn cảnh nào phải lấy vợ và bội ước với nàng. Hạnh chỉ xin Thanh xem mình như một bạn cũ…

Thanh còn nhớ rõ lý do vì sao Hạnh cưới vợ! Nó giản dị hơn nàng tưởng tượng nhiều lắm.

Hạnh đau quá nặng, tưởng đâu đã chết! May nhờ sự săn sóc hết tình của Hương mà chàng thoát qua cơn bịnh ngặt nghèo. Chàng cưới Hương vì nghĩa nhiều hơn vì tình!

Bức thư của Hạnh đã an ủi Thanh rất nhiều! Nàng có cớ để mà tha thứ cho người yêu.

Dù có oán ghét Hạnh cho đến thế mấy, nàng cũng không thể dối lòng mình là hết yêu chàng.

Nàng chỉ còn cố quên thôi, chớ trách cứ người xưa làm gì nữa?

Một chuyến về quê, nàng tìm cách tới thăm Hạnh và gia đình. Thanh xót xa lắm khi thấy Hạnh gầy còm, già cỗi đi, không còn dáng dấp nhanh nhẹn như trước kia…

Hương thì đen đúa làm vườn làm tược, nuôi heo cúi, “thắt lưng buộc bụng” nuôi chồng. Bầy con nheo nhóc…

Gặp lại Hạnh, lần đó Thanh hoàn toàn quên hẳn mối hận lòng. Lúc ấy Yến Ngọc mới vào khoảng 8, 9 tuổi đầu.

 

(3)

Thanh chợt hiểu. Liêm còn ham đường công danh, bỏ người yêu ở lại bơ vơ! Yến Ngọc đau khổ, nên tìm tới nàng. Thanh thở dài. Nàng càng thấy “quan niệm” về tình yêu của mình là đúng. Đàn ông yêu không cần suy nghĩ trước nên dễ quên, còn đàn bà, con gái vì quá thận trọng nghĩ suy, nên suốt đời vẫn nhớ!

Nàng khẽ hỏi Yến Ngọc:

- Liêm có hỏi ý cháu trước khi đi chăng?

- Dạ không! Ông Bình lo giấy tờ xong xuôi hồi đời nào rồi đột ngột biểu anh ấy đi… Cháu với ảnh khóc hết nước mắt.

Thanh hỏi:

- Cậu ấy đi học ngành gì?

- Dạ học thuốc! Cháu vừa được thơ anh ấy hôm qua.

Đã vào trường rồi. Ảnh khuyên cháu đừng buồn, thế nào ảnh cũng về và sẽ cưới cháu.

Thanh cười nói:

-  Vậy  thì  có  gì  phải  khóc!  Cô  nầy  thiệt.  Liệu  cậu Liêm đó có thành thật yêu cháu không?

Yến Ngọc gật đầu:

- Dạ thương yêu cháu thật tình lắm, nhưng cháu…

Thanh gượng cười nói:

- Cháu… sợ thời gian làm thay đổi lòng người? Điều đó cũng có vậy! Thời gian và hoàn cảnh đã tiêu diệt biết bao mối tình êm đẹp nhứt trên đời và làm dang dở bao mảnh đời con gái… Nhưng đã yêu nhau thì phải đặt hết lòng tin ở người yêu, vì đó là sức mạnh vạn năng giúp mình đủ can đảm đợi chờ.

Yến Ngọc thấy trong đôi mắt Thanh như có ngấn lệ. Nàng hiểu rõ mối tình của “cô Sáu” và cha nàng thuở trước, nên càng thương mến Thanh hơn. Ngọc biết cha mình, cho đến giờ phút nầy vẫn mang trong lòng một nỗi ân hận dài.

Nhưng trường hợp của nàng khác xa Thanh. Nàng khẽ cất tiếng:

- Cô Sáu! Cháu sợ không còn đợi chờ anh ấy được nữa…

Thanh sững sờ ngó Yến Ngọc:

- Cháu bảo sao? Không đợi chờ được! Xa nhau bao lâu rồi?

- Dạ gần hai tháng!

- Hai tháng mà đã quên nhau rồi? Cháu yêu người khác ư?

Yến Ngọc lắc đầu nước mắt tuôn tràn xuống má:

- Dạ không! Cháu chẳng yêu thương ai hết. Chỉ mỗi mình Liêm thôi… Lòng cháu đã quyết như vậy rồi, mới không “giữ gìn” với anh ấy.

Thanh chưa kịp hiểu ý nghĩa của câu nói đó, nên cau mày hỏi:

- Nghĩa là sao? Cháu chỉ yêu Liêm mà không đợi chờ được! Có lý nào? Cháu không nói thật với cô!

Yến Ngọc nắm chặt lấy tay Thanh:

- Cô Sáu! Không nói thật với cô, đời nào cháu dám tới đây. Bây giờ, cháu chỉ còn trông cậy vào sự giúp đỡ của cô thôi! Cô đừng nghĩ vậy.

- Nhưng tại sao vẫn yêu Liêm mà cháu không chờ đợi. Cháu còn tính gì khác nữa ư?

Ngọc lắc đầu:

- Không đâu cô Sáu! Cháu yêu Liêm đến suốt đời, nhưng làm sao bây giờ? Cháu đã… có thai.

Thanh đã quen với những lời thốt ra như thế, nhưng lần nầy nàng không che giấu được nỗi bàng hoàng:

- Con đã có thai! Với Liêm?

Yến Ngọc cúi mặt đáp:

- Dạ.

Thanh thì thào:

- Bao lâu rồi?

- Dạ, ba tháng nay, con thấy có nhiều triệu chứng.

- Có chắc không! Vào đây cô xem.

Yến Ngọc đau đớn nói:

- Dạ con đã đi khám bác sĩ! Không còn lầm được nữa… Gần tuần lễ nay, con như kẻ mất hồn, muốn về quê chịu tội với ba má mà con không dám. Má con khổ nhiều quá rồi cô Sáu ơi!

Thanh bối rối vô cùng trước cảnh tình của Yến Ngọc. Cô ta còn đi học và sắp sửa thi tú tài toàn phần, tại sao lại dại dột như thế?

Nàng nghĩ chắc cậu Liêm gì đó không thật tình yêu Yến Ngọc, nên làm hại người yêu.

Rồi nàng lại nghĩ tới sự bồng bột của tuổi trẻ.

Nàng hỏi Yến Ngọc:

- Liêm đã biết chuyện nầy chưa?

Yến Ngọc lắc đầu:

-  Dạ chưa! Cho Liêm hay cũng chẳng giải quyết được gì!

Thanh cau mày:

- Sao lại không? Cậu ấy yêu cháu thì phải tính trước chớ! Ai đâu bỏ cháu bơ vơ thế nầy rồi sang Pháp học! Hay là Liêm không thật tình yêu cháu? Hành động của Liêm khiến cô ngờ vực lắm.

Yến Ngọc tin tưởng nói:

- Không! Con vẫn tin ở tình yêu của Liêm. Anh ấy đâu có tính sang Pháp. Hai đứa dự định sẽ làm lễ cưới khi con đỗ tú tài phần hai. Nhưng ông Bình lại âm thầm buộc Liêm ra đi. Con ngờ ông ấy biết chuyện của con và Liêm.

Thanh lắc đầu:

- Cháu đừng quá tin lời người con trai! Đi Pháp học, làm sao Liêm không biết trước được. Đàn ông họ khôn quỷ lắm cháu à. Họ bỏ rơi mình trong sự khổ đau mà vẫn cho mình cái cớ để đổ thừa cho hoàn cảnh. Họ tàn nhẫn bỏ mình giữa biển, nhưng còn “ân nghĩa” liệng cho mình cái phao để trôi nổi giữa dòng. Theo ý cô, cậu Liêm đó đã phụ bạc cháu…

Yến Ngọc lặng thinh và bắt đầu nhận thấy lời Thanh hữu lý. Vô tình thật! Liêm chỉ cho nàng hay sẽ lên phi cơ sang Pháp trước ba hôm thôi, nhưng quần áo, đồ đạc đã sắm sẵn cả rồi.

Chàng bảo “anh Bình” âm thầm lo lắng tất cả mà mình không hay. Bây giờ việc dĩ lỡ, không thể cãi lời anh!

Rồi  Liêm  cũng  không  nhắc  nhở  gì  tới  lời  ước  hẹn cưới xin, cách đó không lâu.

Cũng vì lời hứa đó mà Yến Ngọc đã trao cả tâm hồn thể xác cho chàng.

Yến Ngọc không hiểu sao mình lại ngu xuẩn đến như vậy. Liêm nói thế nào nàng nghe thế nấy, chẳng chút nghi ngờ.

Nghe tin Liêm sang Pháp, nàng chỉ biết khóc thôi, chớ chẳng nói được lời nào.

Buổi  chiều  Liêm  ra  sân  bay  để  lên  đường,  nàng đứng chen lấn với những người đi đưa, cầm khăn tay vẫy theo Liêm.

Nàng cũng không rõ Liêm có ngó thấy mình chăng?

Bây giờ, nghe lời Thanh giải thích, nàng càng thêm uất ức. Yến Ngọc ôm lấy mặt khóc rấm rứt:

- Trời ơi! Con không còn thiết sống nữa đâu. Khốn nạn quá! Lòng người ta không thể nào đo lường được.

Thanh đã trải qua những ngày đau khổ như thế rồi nên hiểu rõ tâm trạng của Yến Ngọc hơn ai hết.

 

(4)

Buổi chiều, Yến Ngọc đưa bé Vân ra sân chơi. Hai mẹ con thiệt không một phút rời nhau. Bé Vân kể liền miệng những chuyện đã xảy ra trong mấy ngày liền.

Bé Vân thuật lại lúc tỉnh dậy, ở trên xe hơi của Minh Lan, giữa đêm khuya, không thấy ba hay cô đâu hết, nó khóc quá chừng.

Vân rúc đầu vào ngực “cô giáo” nói:

- Cô ơi! Con tưởng không bao giờ gặp mặt cô nữa.

Yến Ngọc nghẹn ngào hôn lên mái tóc của con cảm thương cho thân phận của nó, chưa có bao nhiêu tuổi mà chịu biết bao nỗi đắng cay. Nó chỉ là một đứa con hoang vô thừa nhận, đi làm con nuôi của người, lại chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng. Bây giờ mẹ đây con đó mà cũng không thể nhìn nhau.

Yến Ngọc khẽ cất tiếng:

- Từ đây, lúc nào cô cũng ở sát bên con, chẳng còn ai bắt nạt con được nữa!

Con bé vui mừng hỏi:

- Thiệt vậy hả cô?

Yến Ngọc hôn lên má con gật đầu:

- Ờ thiệt!

- Nghĩa là cô ngủ với con luôn hả?

Yến Ngọc lúng túng trước câu hỏi đó. Nàng ở luôn đây ban đêm trong lúc Dược sư Bình có mặt ở nhà làm sao khỏi gây nên tai tiếng.

Nàng đáp:

- Thỉnh thoảng vậy thôi!

Bé Vân phụng phịu:

- Vậy mà cô nói là ở sát bên con! Hông đâu! Con hổng chịu cô về nhà má Thanh đâu. Cô ngủ luôn với con hà… Không có cô, dì Minh Lan đến bắt con làm sao?

Yến Ngọc đáp:

- Còn có ba chi. Bé Vân ngủ với ba còn thích nữa.

Bé Vân ngây thơ nói:

- Có cô ngủ chung với con, với ba con mới…

Yến Ngọc xấu hổ chận lời con:

- Bậy nà… Sao con nói vậy? Lỗi lắm đó!

Con bé ngơ ngác:

- Lỗi gì hả cô?

Yến Ngọc ấp úng, nhưng rồi cũng phải giải thích cho con nghe:

- Con không được phép nói như vậy nữa. Người ta sẽ cười chết.

- Sao vậy hả cô? Ba ngủ với con! Cô ngủ với con thì cười gì? Chớ ba tụi nó, cô tụi nó không ngủ chung với tụi nó sao.

Yến Ngọc gật đầu:

- Ờ. Nói vậy đâu có sao. Hồi nãy con nói…

Mã hàng
Nhà Cung Cấp
Tác giả
NXB
Năm XB
Trọng lượng (gr)
Kích Thước Bao Bì
Số trang
Hình thức

Nhà văn Ngọc Linh (1935 - 2002)

Tên thật là Dương Đại Tâm

Quê quán ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Ông là người nổi tiếng được biết đến ở nhiều lĩnh vực, vừa là nhà văn, vừa là nhà báo và đặc biệt là nhà viết kịch, viết cải lương.

Các tác phẩm của nhà văn Ngọc Linh do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành: Như hạt mưa sa, Đôi mắt người xưa, Mưa trong  bình minh, Yêu trong hoàng hôn.

Yêu trong hoàng hôn

Loading