0

    Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng.

-25%
Văn Chương Sài Gòn 1881-1924 -Tập 3 - Mật Thám Truyện - Trần Nhật Vy

Văn Chương Sài Gòn 1881-1924 -Tập 3 - Mật Thám Truyện - Trần Nhật Vy

142,500₫ 190,000₫
Tình trạng : Còn hàng
  • Thương hiệu: NXB Văn Hoá Văn Nghệ
   Cho vào giỏ hàng
   Mua ngay

Hầu hết các nhà nghiên cứu văn học quốc ngữ nước ta lâu nay đều cho rằng, truyện trinh thám quốc ngữ xuất hiện từ năm 1917 trên tờ Công Luận Báo và ông tổ của thể loại truyện này là nhà văn Biến Ngũ Nhy với loạt truyện mang tên chung là “Mật thám truyện”.

Xin thưa rằng, qua nghiên cứu của chúng tôi, thể loại truyện trinh thám, hình sự chữ quốc ngữ của người Việt xuất hiện khá sớm, phần lớn là truyện dịch, từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nhiều nhà văn như Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt... đã đi đầu dịch thể loại này trước Biến Ngũ Nhy hàng chục năm, song do không có tên mục riêng, không in thành loạt, hoặc in thành tập nên dấu ấn để lại không đáng kể.

Riêng về Mật thám truyện mà chúng tôi lấy làm tựa cho cuốn sách này, chúng tôi chép từ năm 1915 trên Tân Đợi Thời Báo.

Tân Đợi Thời Báo là tờ báo lạ.

Lạ vì nó tồn tại song song với một tờ báo khác trong cùng một nội dung.

Lạ vì rất ít người biết sự tồn tại của nó.

Lạ vì sự dịch chuyển của nó lại liên quan đến tờ Công Luận Báo ra đời năm 1916.

Sự lạ lùng này nguyên do cũng do sự khắt khe của chánh quyền thực dân trong việc cho phép ra báo quốc ngữ.

Năm 1881, Tổng thống Pháp ban hành Luật tự do báo chí (gọi tắt là Luật 1881). Theo Luật này thì bất cứ tờ báo nào, xuất bản ở đâu (chánh quốc hay thuộc địa của Pháp) muốn ra đời chỉ cần báo trước Biện lý cuộc 24 giờ ba nội dung: Tên tờ báo, địa chỉ tờ báo và tên chủ nhiệm tờ báo. Vì sự quá dễ dàng, quá tự do ấy, Luật 1881 không làm vừa lòng những quan chức tại các thuộc địa nên cuối năm 1898, Tổng thống Pháp phải ban hành Luật báo chí bổ sung là: chỉ có báo bằng tiếng Pháp mới được áp dụng Luật 1881, còn những tờ báo bằng các thứ tiếng khác như quốc ngữ, Hoa ngữ... thì phải xin và được phép của Toàn quyền Đông Dương mới xuất bản được.

Ông Canavaggio là một thương nhân đã xin phép và xuất bản tờ Nông Cổ Mín Đàm từ năm 1901. Song chỉ một năm sau, thấy làm báo không có lời mà lại mất nhiều công sức, nên ông “sang” tờ báo cho ông Lương Khắc Ninh, chủ bút. Năm 1902, số báo 45 ra ngày 31-7-1902, trong bài Bổn quán cáo từ ông viết “Nay ta phú thát nhà nhựt trình Nông Cổ này cho ông Lương Dũ Thúc, xin anh em lớn nhỏ vui lòng ráng mua thêm mà giúp sức cho nên, kẻo tội nghiệp công người gánh vát”. Tuy rằng đã để người khác làm nhưng giấy phép vẫn là tên ông vì công đoạn xin phép quá khó khăn nên gọi là “sang”, bán nhưng vẫn còn đứng tên chịu trách nhiệm!

Đầu năm 1915, tờ Nông Cổ Mín Đàm lúc này do ông Lê Hoằng Mưu làm chủ bút, làm ăn không ngon lắm; còn ông Lucien Héloury, một nhà báo chuyên nghiệp, chủ nhân tờ Opinion bằng tiếng Pháp, thì lại muốn xuất bản một tờ báo quốc ngữ, nên đã “sang” lại tờ Nông Cổ Mín Đàm. Song cũng vì giấy phép khó xin, nên trang 1 thì vẫn mang tên Nông Cổ Mín Đàm song trang trong (trang 3) thì ghi tên khác là Tân Đợi Thời Báo. Tới năm 1916, sau khi có được giấy phép tờ Công Luận Báo tên tiếng Việt của tờ Opinion, thì nội dung của Tân Đợi Thời Báo “chạy” qua Công Luận Báo và tờ Tân Đợi Thời Báo cũng chấm dứt nhiệm vụ và biến mất.

Mật thám truyện bắt đầu xuất hiện trên Tân Đợi Thời Báo từ ngày 25-5-1915 và sau đó “chạy” qua Công Luận Báo tiếp tục từ năm 1916 với nhiều truyện hấp dẫn khác nhau.

Trong tập truyện này, chúng tôi chỉ giới thiệu hai truyện đầu tiên trong loạt Mật thám truyện của Biến Ngũ Nhy đăng trên Tân Đợi Thời Báo. Những truyện còn lại cùng thể loại hoặc là loại truyện phiêu lưu mạo hiểm... chúng tôi sưu tầm từ các tờ báo khác như Nam Kỳ tuần báo, Nông Cổ Mín Đàm, Nam Kỳ Địa Phận... Đặc biệt, những truyện dịch trên Nam Kỳ tuần báo xuất hiện đầu tiên trên báo chí quốc ngữ nước ta. Thiển nghĩ, nếu không giới thiệu những tác phẩm này, chúng tôi tự thấy có lỗi với bản thân, có lỗi với bạn đọc và có lỗi với thế hệ sau này khi học, nghiên cứu văn học nước ta. Đây là điều chúng tôi rất muốn lâu nay nhưng chưa có dịp. Đã hơn 100 năm, văn học miền Nam vẫn chưa được biết đến nhiều, đây là dịp để các bạn có thể đọc được một phần những tác phẩm của tiền nhân còn lưu lại.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cuộc sống còn mang nhiều chất nông nghiệp, dù người Sài Gòn và một số đô thị ở miền Nam đã quen với nếp sống thành thị, nên sự nhàn rỗi cũng nhiều. Do vậy truyện thường viết chậm rãi, từ từ không gấp gáp như đời sống hiện nay. Cách sử dụng từ ngữ trong các truyện cũng gắn chặt với đời sống thường nhật nên lắm khi đọc thấy cộc cằn, thiếu mượt mà... Đó cũng là nét chung của văn chương quốc ngữ thuở ban đầu của chúng ta.

Dầu là truyện hình sự, trinh thám nhưng đây cũng là một mảng tiểu thuyết mang tính “lịch sử” của văn học Việt. Vì vậy, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc xa gần, đọc để giải trí, đọc để hiểu biết và cũng là cách tìm hiểu thêm về văn học Việt thuở ban đầu mà người xưa đã mất nhiều công sức để lại cho chúng ta.

Để các bạn hôm nay có thể đọc một cách dễ hiểu, trong quá trình sưu tầm và chép lại các truyện, chúng tôi đã mạn phép điều chỉnh chút ít về chánh tả như cái dường = cái giường, các dấu hỏi, ngã hoặc để trong ngoặc [] những chữ tương đồng như thoàn [thuyền], song vẫn giữ nguyên câu, chữ và cách hành văn để bạn đọc và các nhà nghiên cứu tiện nghiên cứu sâu hơn. Đồng thời chúng tôi cũng chú giải những chữ xưa nay ít dùng hoặc không còn dùng nữa.

Tuyển lại các truyện xưa là công việc rất mới vừa mất thời gian, tài liệu lại thiếu thốn. Do vậy, trong quá trình thực hiện không thể không có những sai sót nhất định. Rất mong được các bạn góp ý.

Mật thám truyện là tên một mục trên Tân Đợi Thời Báo xuất hiện từ giữa năm 1915 do nhà văn, bác sĩ Biến Ngũ Nhy phụ trách. Mật thám truyện là thể loại tiểu thuyết ngày nay thường gọi là truyện trinh thám, hình sự, vụ án. Độc giả hẳn đã quá quen thuộc với loại truyện này qua các tác phẩm hấp dẫn Conan Doyle, Agatha Christie, Dan Brown... Biến Ngũ Nhy đã dịch một loạt khá nhiều truyện loại này, điều đáng tiếc là nhà văn Biến Ngũ Nhy đã không cho biết những truyện ông dịch từ nguồn nào, của tác giả nào!

Loading