Thi pháp Truyện Kiều - Trần Đình Sử
- Thương hiệu: Khác
-
Thông tin chi tiết
-
Mô tả sản phẩm
-
Bình luận sản phẩm
Giáo sư đã xuất bản hàng trăm công trình khoa học trong nước và quốc tế. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học, Giáo sư đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2000) và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (2010) cùng các giải thưởng cao quý khác như: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1997), Giải thưởng Nghiên cứu của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh (2017)
Giáo sư Trần Đình Sử “yêu Truyện Kiều từ thời trẻ” và từ những năm 1960 đã bắt đầu có ý thức “sưu tập tư liệu về Truyện Kiều”. Đến những năm 1970, ông “có ý định nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều”. Trải qua bao năm nghiền ngẫm, cuốn sách Thi pháp Truyện Kiều đã được xuất bản lần đầu tiên năm 2002, sau đó liên tục được tái bản. Trong lần xuất bản năm 2018 tại Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, tác giả đã có những chỉnh lí, bổ sung để làm tăng thêm giá trị của cuốn sách. Những điều chỉnh này đã được tác giả trình bày cụ thể ở Lời dẫn.
Ngoài Lời dẫn, Lời nói đầu, cuốn sách gồm 7 chương. Chương 1 nêu nhận xét về những đường nét lớn trên phương diện nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều. Chương 2 phác hoạ bức tranh nghiên cứu so sánh Truyện Kiều và văn hoá, văn học Trung Quốc. Chương 3 trình bày quan hệ giữa ngâm khúc và truyện thơ Nôm với Truyện Kiều, để làm sáng tỏ sự tiếp nhận ảnh hưởng văn hoá, văn học Việt Nam mà cụ thể là các mối quan hệ về nội dung, thể loại văn học của Truyện Kiều. Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều của Nguyễn Du được phác hoạ ở chương 4. Việc chỉ rõ loại hình tự sự của Truyện Kiều ở chương 5 đã cho thấy rõ tính chất tiểu thuyết cũng như chất cảm thương, chất thơ và vai trò của độc thoại nội tâm trong tác phẩm. Chương 6 xem xét tu từ Truyện Kiều ở các phương diện: giọng điệu cảm thương, màu sắc, đối ngẫu, phép sóng đôi, ẩn dụ và điển cố. Đến chương 7, độc giả sẽ có được một cái nhìn bao quát về “sức sống” của Truyện Kiều trong đời sống tinh thần của dân tộc. Phần Phụ lục gồm 7 bài tiểu luận của tác giả về Nguyễn Du và Truyện Kiều; 3 bài bình luận, đánh giá của các nhà nghiên cứu có uy tín về cuốn Thi pháp Truyện Kiều của tác giả.
Tiếp nối xuất bản các công trình có giá trị học thuật của các nhà khoa học lớn trong và ngoài nước, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm trân trọng giới thiệu cuốn sách Thi pháp Truyện Kiều của Giáo sư Trần Đình Sử – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Giáo sư là chuyên gia đầu ngành về văn học, là một trong những người tiên phong xây dựng hướng nghiên cứu thi pháp học ở Việt Nam.