Soạn Giả Viễn Châu - Tác Giả Và Tác Phẩm Vọng Cổ - Huỳnh Công Tín
- Thương hiệu: NXB Tổng Hợp TPHCM
-
Thông tin chi tiết
-
Mô tả sản phẩm
-
Bình luận sản phẩm
Soạn giả Viễn Châu: “Điểm tựa của tôi trong sáng tác chính là đọc và chắt lọc những nét đẹp từ tiểu thuyết văn học. Tôi là “con mọt sách” từ năm 14 tuổi. Tôi thích cách viết của nhiều nhà văn: Hoàng Ngọc Phách (tác phẩm Tố Tâm) lãng mạn, ướt át; Tân Dân Tử (Giọt máu chung tình) trau chuốt, nên thơ; Phú Đức (Châu về hợp phố) xốc nổi, xôm trò; Hồ Biểu Chánh (Con nhà nghèo, Nợ đời) giọng văn rặt chất Nam bộ; Lan Khai (Tiếng gọi của rừng thẳm) phiêu lưu, mạo hiểm; nhất là các tác phẩm dạt dào tình cảm của Khái Hưng, Nhất Linh. Điều thú vị nhất là các “sư phụ” tả về vẻ đẹp người phụ nữ thì hết ý, đọc đã thấy khoái nên tôi khi sáng tác bài ca cổ hoặc xây dựng hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm của mình, tôi thường dùng chất liệu văn học đã thẩm thấu từ những tác phẩm văn chương mình yêu thích”.
Lời bạt:
Thực hiện đề tài Văn hóa Cải lương Nam Bộ, năm 2014 - 2015, do Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNU-HCM) tài trợ, chúng tôi đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm Soạn giả Viễn Châu, 100 bài Vọng cổ đặc sắc(Tuyển chọn và chú giải), do NXB Chính trị Quốc Gia - Sự thật, Hà Nội phát hành năm 2015.
Năm nay, trong chương trình bảo tồn vốn di sản văn hóa nghệ thuật quý báu Cải lương Việt Nam; kỷ niệm 100 năm tiến trình bản vọng cổ, khởi đi từ bản “Dạ cổ hoài lang” nhịp 2 năm 1919 do nghệ sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) (1892 - 1976) sáng tác, sang nhịp 4 do danh cầm, soạn giả Trịnh Thiên Tư (Giáo Chín, Thoại Phát) (1906 - 1982) thực hiện, nhịp 8 do nghệ sĩ, bầu gánh Thanh Minh Lư Hòa Nghĩa (Năm Nghĩa) (1917 - 1959) hoàn thành, rồi nhịp 16 do nhạc sĩ, soạn giả Trần Tấn Trung (Mộng Vân) (1910 - 1948) soạn nhạc, viết lời, đến nhịp 32 do nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ) (1921 - 1982) biên soạn và hiện nay, năm 2019 vẫn đang thịnh hành.
100 năm Vọng cổ, có sự đóng góp của nhiều danh cầm, nghệ sĩ tên tuổi cho sự hoàn thiện tiến trình này. Nhưng người đạt vị trí đỉnh cao cho việc viết lời bản Vọng cổ nhịp 32 về số lượng, cả chất lượng lời từ bài ca lại chính là nghệ sĩ danh cầm Huỳnh Trí Bá (Bảy Bá) (1924 - 2016), tức soạn giả Viễn Châu. Trong lĩnh vực vọng cổ, soạn giả Viễn Châu là một trong những người có công khởi đầu mở ra thể loại Tân cổ giao duyên; đồng thời, lại là người có công lớn biến đổi bài bản Vọng cổ truyền thống mang âm hưởng buồn của điệu Oán, thành bài bản Vọng cổ vui, hài hước, với hai giọng ca đặc trưng: nghệ sĩ Nguyễn Văn Minh (Hề Minh) (1929 - 1985) và đặc biệt là nghệ sĩ Nguyễn Văn Hường (Văn Hường) vua ca vọng cổ hài sinh năm 1932.
Nhằm tạo điều kiện để công chúng yêu mến những sáng tác Vọng cổ của soạn giả Viễn Châu có thể tìm hiểu sâu hơn tác phẩm của ông, lần này NXB. Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM phát hành quyển chuyên khảo Soạn giả Viễn Châu - Tác giả và tác phẩm Vọng cổ.
NSND Viễn Châu là tác giả, soạn giả lớn trong lĩnh vực sân khấu Cải lương. Do vậy, quyển sách chuyên khảo của tôi về tác giả và tác phẩm NSND Viễn Châu có thể còn những hạn chế do khả năng tiếp cận của người viết có hạn. Mong bạn đọc lượng thứ và giúp ý kiến đóng góp cho những sai sót.
Chúng tôi cảm ơn NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM đã hỗ trợ in ấn và phát hành quyển sách này.
Chúng tôi cảm ơn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội và gia đình bác Bảy Bá đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp chúng tôi hoàn thành cả hai quyển sách trước và sau của hai đợt phát hành.
HUỲNH CÔNG TÍN
Trích “Đặc thù văn hóa Nam bộ”:
Hai trăm năm đờn ca tài tử, một trăm năm sân khấu cải lương cùng tiến trình ba trăm năm mở đất Nam bộ, nhiều thế hệ người Việt phương Nam không chỉ đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, họ còn đóng góp bản sắc văn hóa Nam bộ cho sự phát triển văn hóa người Việt, tiêu biểu ở lĩnh vực nghệ thuật văn chương, báo chí và âm nhạc. Văn chương, báo chí thuộc lĩnh vực ngôn ngữ với hai phong cách riêng biệt. Âm nhạc vừa thuộc lĩnh vực thanh âm, vừa thuộc lĩnh vực ngôn từ. Cả ba bình diện, đóng góp của người Nam bộ đều mang lại giá trị văn hóa đặc thù, góp phần khẳng định bản sắc, tính đặc thù trong văn hóa dân tộc.
Lĩnh vực ngôn ngữ, ngoài dòng văn học dân gian còn có dòng văn chương bác học, nghệ thuật báo chí với các tổ chức, như: Tao đàn Chiêu Anh Các, Bạch Mai thi xã, Bình Dương thi xã...; Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, Nam Kỳ địa phận...; và các tên tuổi lớn: Mạc Thiên Tích, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam...
Lĩnh vực âm nhạc, cả tân nhạc và cổ nhạc đều có những thành tựu lớn với lượng tác phẩm lưu lại và những tên tuổi được ghi nhận theo dòng thời gian: dòng tân nhạc (nhạc vàng) có các tác giả Nguyễn Văn Đông, Trúc Phương, Lam Phương, Thanh Sơn, Trần Thiện Thanh, Anh Việt Thu..., dòng cổ nhạc có các nghệ sĩ đờn và soạn giả: Nguyễn Quang Đại, Trần Quang Quờn, Lê Tài Khí, Cao Văn Lầu, Tư Trang, Năm Châu, Duy Lân, Hà Triều - Hoa Phượng, Kiên Giang, Viễn Châu... và các nghệ sĩ ca diễn: Năm Phỉ, Thanh Nga, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Văn Hường, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Duy Khánh, Phương Dung, Giao Linh...
Đóng góp lớn của đội ngũ soạn giả cải lương là đã viết nên hàng trăm tuồng cải lương và hàng ngàn bài vọng cổ. Di sản này cần được ghi nhận nghiên cứu, không chỉ ở soạn giả Viễn Châu mà còn nhiều soạn giả khác. Trong khuôn khổ của chuyên khảo, chúng tôi đề cập riêng sự nghiệp sáng tác vọng cổ của danh cầm Bảy Bá, soạn giả Viễn Châu. Bởi ông là người có đóng góp lớn cho sự định hình bản vọng cổ nhịp 32, lại là người góp phần khai phá tạo nên bản tân cổ giao duyên và là người duy nhất thành công ở lĩnh vực viết vọng cổ hài từ khởi sự bản vọng cổ đến nay.
Trích “Soạn giả Viễn Châu, tiểu sử và sự nghiệp”:
Có một người Trà Vinh đóng góp lớn cho sự nghiệp vọng cổ - cải lương Nam bộ là soạn giả Huỳnh Trí Bá. Gọi theo cách gọi thân thương của người miền Nam là “Bảy Bá”. Bác Bảy Bá xuất thân từ gia đình hương chức của làng, sinh ngày 21/10/1924 tại Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Như tự nhận khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông nói: “Từ nhỏ tôi đã mê đờn tranh, tự mày mò học và tìm hiểu thêm những ngón đờn qua dĩa hát nhựa, những đám hát tài tử ở làng quê. Năm 19 tuổi với máu phiêu bạt giang hồ, tôi xách cây đờn lên Sài Gòn” theo nghiệp đờn ca.
Năm 1942, ông tham gia Ban cổ nhạc Ðài phát thanh Pháp Á, Sài Gòn. Năm 1943, ông theo đoàn Tố Như, rồi tham gia gánh hát Năm Châu lưu diễn cả nước. Trên con đường âm nhạc, ông có điều kiện tiếp xúc với các nghệ sĩ, soạn giả tài danh: Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Trần Văn Lân (Duy Lân), Lê Hoài Nở (Năm Nở), Trần Hữu Trang (Tư Trang), Lê Long Vân (Ba Vân)..., học hỏi được nhiều từ các bậc đàn anh.
Năm 1950, với bút danh Viễn Châu ông viết vở cải lương “Nát cánh hoa rừng”, phỏng theo tác phẩm “Đường rừng” của Khái Hưng. Tác phẩm được công chúng hoan nghênh và bút danh Viễn Châu được biết đến rộng rãi từ đấy. Sở dĩ, có bút danh, nghệ danh này, có lần ông tâm sự: “Viễn Châu” với chữ đầu “Viễn” hàm ý “xa” - “viễn xứ” (xa xứ), còn “Châu” là tên xã “Đôn Châu”, quê ông. Một bút danh nhắc chuyện “xa Đôn Châu” nên dặn lòng phải yêu quê hương, nguồn cội. Một cái tên nói lên được tình cảm, lòng biết ơn và sự nhắc nhớ về quê hương, xứ sở; dòng họ, gia đình.
Sau thành công, ông được rất nhiều đoàn mời hợp tác: Kim Thanh (1955), Thanh Tao (1958), Thanh Nga (1962), Dạ Lý Hương, Tân Hoa Lan (1969)... và các hãng dĩa: Việt Nam (1950), Kim Long (1951), Việt Hải (1953), Thăng Long (1954), Sống Mới (1968), Nhạc ngày xanh (1969), Hồn nước (1973)...
Sau năm 1975, ông cộng tác với đoàn Văn công (1975), hãng băng Sài Gòn Audio (1978) và nhiều đoàn hát tỉnh. Năm 1984, ông có chuyến lưu diễn qua các nước Tây Âu: Bỉ, Đức, Pháp, Ý...
Về sáng tác, theo giới chuyên môn, đến nay Viễn Châu viết trên 50 vở cải lương, hơn 2.000 bài vọng cổ, gồm cổ nhạc và tân cổ. Đây là con số đáng nể, có lẽ khó có nghệ sĩ trước và sau ông vươn tới số lượng này. Còn “tuyệt phẩm” vọng cổ Viễn Châuđược công chúng yêu chuộng không ít, có đến trên trăm bài, như các bài: “Tình anh bán chiếu, Tu là cội phúc, Mẹ dạy con, Trái khổ qua, Ông lão chèo đò, Sầu vương ý nhạc, Anh đi xa cách quê nghèo...; Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tần Quỳnh khóc bạn, Lòng dạ đàn bà, Phàn Lê Huê, Trụ Vương thiêu mình, Hán Đế biệt Chiêu Quân, Hạng Võ biệt Ngu Cơ...; Tứ đổ tường, Tai nạn Hon đa, Năm con vợ, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Văn Hường đi xe gắn máy, Về quê vợ, Vợ tôi nói tiếng Tây, Pháp sư giải nghệ...; Ai lên xứ hoa đào, Cô gái bán sầu riêng, Mưa rừng, Em không buồn nữa chị ơi, Đau xót lý con cua, Mưa trên phố Huế...”
Ngoài giá trị văn chương, âm nhạc, những bản vọng cổ của ông được giới chuyên môn nhìn nhận như phương cách giúp người chưa biết ca tập thành ca sĩ, người ca quen trở thành tài tử ca, người không chuyên trở thành chuyên nghiệp, người chuyên nghiệp trở thành nghệ sĩ, người có danh trở thành “vua, hoàng đế, ông hoàng, nữ hoàng...”. Công chúng mê vọng cổ ghi nhận công lao sáng tác của Viễn Châu nên phong tặng ông nhiều danh hiệu cao quý: “Ông vua ca cổ”, “Ông vua tân cổ”, “Nhạc sư”, “Nghệ sĩ bậc thầy, “Nghệ sĩ ngoại hạng”, “Người tạo danh cho ca sĩ”...
Mã hàng | 9786046862086 |
---|---|
Nhà Cung Cấp | NXB Tổng Hợp TPHCM |
Tác giả | Huỳnh Công Tín |
NXB | NXB Văn hóa Văn nghệ |
Năm XB | 2020 |
Trọng lượng (gr) | 450 |
Kích Thước Bao Bì | 20.5 x 14.5 cm |
Số trang | 448 |
Hình thức | Bìa Mềm |