0

    Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng.

-25%
Như Hạt Mưa Sa - Ngọc Linh

Như Hạt Mưa Sa - Ngọc Linh

71,250₫ 95,000₫
Tình trạng : Còn hàng
  • Thương hiệu: NXB Văn Hoá Văn Nghệ
   Cho vào giỏ hàng
   Mua ngay

Thập niên 60 và đầu thập niên 70, thế kỷ XX, ông là một trong các nhà văn chuyên viết tiểu thuyết Feuilleton (Phơi-dơ-tông), đăng nhật báo nhiều kỳ. Ngày trước, loại tiểu thuyết này người ta gọi là “hàng độc” của báo chí, người viết bao giờ cũng có “chiêu” câu khách mỗi kỳ để khán giả tò mò theo dõi nhật báo. Thời kỳ đó, viết tiểu thuyết Feuilleton chính là “con đường kiếm ăn” của các nhà văn, nhà báo. Chính nhờ viết tiểu thuyết Feuilleton mà nhà văn Ngọc Linh đã nuôi sống được gia đình và các cháu - con của một người anh của ông, tham gia kháng chiến, xa gia đình..

Hầu hết tiểu thuyết Feuilleton của nhà văn Ngọc Linh đều in thành sách, tái bản nhiều lần. Một số tiểu thuyết được chuyển thể thành phim, kịch nói, cải lương trước và sau năm 1975, như: Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Mưa trong bình minh, Như hạt mưa sa, Bây giờ em ở đâu, Nắng sớm mưa chiều, Yêu trong hoàng hôn, Gạo chợ nước sông, Trời không có nắng, Mái tóc ngày trước, Trên sông hoàng hôn, Một chồng, Hoa nở về đêm, Buổi chiều lá rụng,… Trong số tiểu thuyết được in, tái bản nhiều lần, dựng thành kịch nói, thành phim, có tác phẩm Như hạt mưa sa.

Có lẽ, chính nhờ cốt truyện khá ly kỳ, pha chút hình sự với câu chuyện tình tay ba mà tiểu thuyết Như hạt mưa sa (viết từ năm 1966), tính đến năm 1990 đã tái bản 3 lần và được dựng thành phim điện ảnh (năm 1967) và dựng thành kịch nói (năm 1993). Câu chuyện về tình yêu của một chàng họa sĩ tên Thuyên với hai cô gái, một là diễn viên nổi tiếng – Dã Lan, một là cô gái đẹp bí ẩn trong đêm mưa – Yến. Câu chuyện khá ly kỳ, bởi Yến đang bị một nhóm xã hội đen truy lùng và Yến lại có một người em gái song sinh. Nếu như cuộc đời Yến truân chuyên, đầy những bất trắc chực chờ như số phận định sẵn, bởi sự yếu đuối trong tình cảm dẫn đến những khúc quanh trong đời thì em gái song sinh của nàng - Thùy Hương, lại là một cô gái bản lĩnh, cứng cỏi. Dã Lan đang có tất cả, danh vị, tiền tài và tình yêu, ngỡ như cuộc sống trải đầy hoa hồng với cuộc hôn nhân như ý, nhưng chuyện tình yêu, không ai biết trước chữ ngờ… Có những cuộc tình đẹp nhưng cuối cùng lại chia xa; có cuộc hội ngộ bất ngờ như định mệnh mà làm nên gắn bó; có những quyết định khó khăn, giành phần thua thiệt nhưng lại được nhận sự bù đắp từ một tình cảm chân thành…

Khi tiểu thuyết Như hạt mưa sa được dựng thành phim, hai vai song sinh Yến và Thùy Hương do minh tinh màn bạc bấy giờ - diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng đóng; Dã Lan, do nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết thủ diễn, còn chàng họa sĩ lãng tử tài hoa là diễn viên điện ảnh Trần Quang. Tham gia trong phim còn nhiều gương mặt diễn viên nổi tiếng bấy giờ như Bạch Lan Thanh, Tùng Lâm, Thanh Hoài, Diễm Kiều,…

Nhớ thời gian cộng tác trong nhiều tác phẩm của tác giả Ngọc Linh, Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết từng viết:

“Nhà văn, nhà viết kịch Ngọc Linh - một khí chất thẳng thắn mà nhân hậu, hào sảng mà tinh tế, khoan dung. Khả năng văn chương với ngôn ngữ đậm đà chất Nam Bộ, ngòi bút của ông vừa sắc bén, tinh tế của một khối óc tài hoa đậm tính nhân văn với cái nhìn đời khá nghiêm khắc lại đồng thời dung chứa một trái tim mẫn cảm, hào phóng có chút kiêu mạn của những sĩ phu thời mở nước. Thế giới nhân vật trong các tác phẩm của nhà văn Ngọc Linh rất đa dạng. Tùy phong cách, tính khí, thói quen của mỗi con người – qua mỗi nhân vật chúng ta đọc thấy ông đã tạo nên nét riêng đầy bất ngờ cho từng số phận.

Vào những thập niên 60, thời kỳ kiếm hiệp Kim Dung xuất hiện bên cạnh tiểu thuyết tình cảm xã hội lãng mạn của Quỳnh Dao, đã hầu như chiếm lĩnh thường xuyên trang trong của các tờ nhật báo thì những trang viết của ông cũng chưa hề thiếu vắng, nếu không nói là được sự đón nhận của người đọc Việt một cách đầy yêu mến trân trọng. Những tiểu thuyết tình cảm của ông đều giành được nhiều sự ái mộ, quan tâm của người đọc, tên tuổi ông được sắp chung chiếu ngồi với các tác giả, soạn giả uy tín nhất thời bấy giờ.

Ông bà xưa thường nói: “Văn tức là người”. Đọc tiểu thuyết của Ngọc Linh, ta có thể thấy thấp thoáng bóng ông trong nổi chìm biển dâu một thời của dân tộc, những giá trị truyền thống Việt được âm thầm chắt chiu nuôi dưỡng bởi tình làng nghĩa xóm, sự khắc khoải triền miên trước thảm họa nước mất nhà tan. Các nhân vật trong tiểu thuyết của ông tạo ra, sinh thành, dựng nên buộc phải có mặt với đầy rẫy những số phận cay nghiệt, chướng oan, gặp phải hoàn cảnh trái ngang, thân phận bất hạnh… Ở đó, cái lằn ranh giữa tốt – xấu, sang – hèn, thiện – ác, tối – sáng… vừa chập chờn vừa mong manh đến tội nghiệp. Nhưng cho dù một lúc nào đó, một nơi nào đó, một khoảng đời nào đó, họ bị đẩy xuống tận cùng đáy vực, loay hoay trước vòng tròn của định mệnh… nhưng họ vẫn cố vươn lên không bao giờ chịu đầu hàng kẻ thù hay số phận. Và cuối cùng cái đẹp vẫn thuộc về họ - những nhân vật – những con người lao động “khổ sai” trong âm thầm đôi lúc dường như bị miệt khinh, quên bỏ vẫn miệt mài tự nhận trách nhiệm làm người một cách hồn nhiên, lặng lẽ trong đám đông đầy lòng nhân hậu.

Đã hơn 15 năm ngày nhà văn – nhà viết kịch Ngọc Linh đi xa. Nhưng thế hệ hôm qua, hôm nay và cả mai sau cũng đã, đang và vẫn chia sẻ cùng ông những vui – buồn thế sự, những thăng trầm cuộc sống, bởi bi kịch về tình yêu, về hạnh phúc khổ đau trong cuộc đời, của chính mình qua những tác phẩm của ông vẫn mãi nằm trong bi kịch của nhân loại!

Trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ tái bản tiểu thuyết Như hạt mưa sa của nhà văn Ngọc Linh. Một cách để thấy tuy không còn hiện hữu, nhưng ông vẫn sống trong sự lưu dấu, nơi cõi yêu thương của bao tấm lòng.

DƯƠNG THỊ LIÊN CHI

(Con gái của nhà văn Ngọc Linh)

 

Trích đoạn:

“Yến nằm vật xuống giường rồi ôm mặt khóc, khiến Thuyên sửng sốt lạ lùng. Thái độ của nàng càng lúc càng khó hiểu. Mỗi lần đi ra ngoài thì y như bị ma bắt chạy về thở không muốn ra hơi.

Thuyên ngồi xuống bên giường đặt bàn tay lên vai Yến, gọi nhỏ:

- Yến... gì vậy?

Yến nắm chặt lấy tay chàng bóp mạnh, nước mắt ràn rụa:

- Anh... đừng đuổi em nghen! Ra khỏi đây thế nào em cũng bị giết...

Thuyên hỏi nhanh:

- Ai giết Yến? Cô nói gì vậy?

Yến thở ra:

- Câu chuyện còn dài lắm. Em chưa nói được. Nhưng anh hứa đừng đuổi em ra khỏi nhà nầy nghen!

Thuyên bắt đầu khó chịu trước thái độ mập mờ đó, nên hỏi:

- Sao Yến chưa chịu nói thật? Tôi làm sao biết Yến đang gặp chuyện gì? Đương không rồi Yến như mất hồn, mất vía.

Yến òa khóc:

- Tội nghiệp em mà anh. Em biết làm phiền anh nhiều lắm, nhưng em không làm sao khác được. Em thấy rõ ràng “hắn”. Nhưng chẳng biết có phải chăng? Đời em... cứ sống trong ám ảnh nặng nề.

Thuyên đứng lên đi về phía cửa nhìn xuống sân một lần nữa, rồi hỏi Yến:

- “Hắn” là ai? Chồng cô ư?

Yến ngó chàng lắc đầu:

- Không!

- Vậy là ai? Kẻ thù?

- Không!

- Người yêu?

Yến gục đầu xuống gối, không đáp, đôi vai run run. Thuyên lẩm bẩm:

- Vậy là cô trốn “người yêu” để tới đây! Chết chưa... Thế là...

Thuyên chưa dứt lời Yến đã ngước lên bảo chàng:

- Không, tôi có yêu “hắn” bao giờ đâu? Tôi... Trời ơi! Anh đừng hỏi nữa.”

Mã hàng
Nhà Cung Cấp
Tác giả
NXB
Năm XB
Trọng lượng (gr)
Kích Thước Bao Bì
Số trang
Hình thức

Nhà văn Ngọc Linh là một tên tuổi lớn trong làng văn chương, báo chí miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975. Ông chủ trương tuần báo Nhân Loại – tờ báo đấu tranh công khai để hiệp thương hai miền Nam Bắc, sau hiệp định Genève; ông viết báo Lẽ Sống, ở các chuyên trang kịch trường sân khấu, phê bình sân khấu và điện ảnh, bày tỏ thái độ rõ ràng, chống quyết liệt những sản phẩm văn hóa đồi trụy, ngoại lai. Ông đã sáng tác khoảng 70 tiểu thuyết và rất nhiều truyện ngắn đề cao lòng yêu nước, bảo vệ văn hóa dân tộc, góp tiếng nói tích cực xây dựng các giá trị đạo đức truyền thống, nhân ái, các giềng mối yêu thương trong quan hệ gia đình,...

Loading