0

    Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng.

-30%
Mùa Nước Nổi Trong Đời Sống Văn Hoá Đồng Bằng Sông Cửu Long - Nguyễn Hữu Hiếu

Mùa Nước Nổi Trong Đời Sống Văn Hoá Đồng Bằng Sông Cửu Long - Nguyễn Hữu Hiếu

56,000₫ 80,000₫
Tình trạng : Còn hàng
  • Thương hiệu: NXB Văn Hoá Văn Nghệ
   Cho vào giỏ hàng
   Mua ngay

Mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long, chỉ kéo dài tối đa là bốn tháng trong năm, là thời điểm mà cư dân địa phương tập trung cao độ tri thức, phương tiện ứng phó với thiên nhiên.

Những hoạt động sản xuất và sinh hoạt đời thường khác của cư dân địa phương trong mùa nước nổi góp phần tăng thêm sự phong phú đa dạng, nhiều màu sắc cho văn hóa miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Có một số sinh hoạt chỉ diễn ra trong mùa nước, tuy nhiên cũng không ít hoạt động diễn ra xuyên  suốt cả năm gắn liền với sông nước, nên trình bày tách bạch mùa nước nổi trong đời sống văn hóa đồng bằng sông Cửu Long là một việc không đơn giản.

Để tiếp cận vấn đề một cách tương đối, trong tập sách này, chúng tôi xin trình bày theo các  chương:

- Chương một: Mấy nét về mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Chương hai: Nơi ăn chốn ở trong mùa nước nổi.

- Chương ba: Hoạt động kinh tế, đi lại vận chuyển và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mùa nước nổi.

-  Chương bốn: Mùa nước nổi trong đời sống văn hóa tinh thần.

Với nội dung trên, bằng một số hình ảnh tiêu biểu, chúng tôi cố gắng khắc họa phần nào vai trò, tác động, ảnh hưởng của mùa nước nổi trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Qua thời  gian, do tiến bộ của khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội phát triển, một số hoạt động từng bước lui dần vào quá khứ. Nhưng thực tế nó vẫn tồn tại, bàng bạc, ẩn hiện dưới nhiều dạng thức khác trong tri thức dân gian, trong phương ngữ, trong lời ăn tiếng nói của từng địa phương, trong tên đất tên làng xóm, trong ký ức tập thể của nhân dân, trong phong tục, trong tín ngưỡng, trong văn hóa vật chất...

Nguyễn Hữu Hiếu

 

Khái niệm “mùa nước nổi”:

Mấy trăm năm qua, từ khi đặt chân lên đồng bằng sông Cửu Long, qua nhiều thế hệ, người Việt ở Nam bộ đã nắm bắt và vận dụng quy luật tự nhiên vào cuộc sống.

Đồng thời căn cứ vào đặc điểm các hiện tượng tự nhiên mà ở quê cũ không có, người ta khoác cho nó một cái tên, một khái niệm mới cho phù hợp. Từ nước nổi hay nước lên ra đời và tồn tại suốt từ đó đến nay.

Thế nhưng, hơn mấy chục năm qua, bỗng dưng xuất hiện một số khái niệm xa lạ với phương ngữ và văn hóa Nam bộ, được đưa vào: nước lũ thay cho nước nổi (nước lụt, nước ngập, nước lên, mùa nước) và kèm theo hàng loạt các mô hình của “tư duy đắp đê, be bờ” được đề xuất thực hiện, như: “sống chung với lũ”, “làm nhà trên cọc”, “đê bao chống lũ”, “cụm tuyến dân cư chống lũ”, “nhà vượt lũ”,... làm như thể mấy trăm năm qua, mỗi khi đến mùa nước nổi là cư dân đồng  bằng sông Cửu Long bỏ chạy, và không biết dựng nhà sàn để trụ lại mỗi khi đến mùa nước  lên.

“Các thuật ngữ: nước ngập, nước lụt, nước lên, mùa nước là phương ngữ Nam bộ, phản ánh cụ thể một hiện tượng tự nhiên tại địa phương, không có ở nơi khác; thể hiện quá trình nhận thức, đúc kết kinh nghiệm, trí tuệ dân gian trong mấy trăm năm mở cõi. Nó là một sản phẩm văn hóa trong lĩnh vực ngôn ngữ, thể hiện bản sắc địa phương, góp phần làm giàu, làm phong phú, đa dạng hơn cho ngôn ngữ dân tộc, được hình thành và tồn tại mấy trăm năm qua. Nó gắn liền với đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Việt ở Nam bộ, thể hiện qua lời ăn tiếng nói đã đi vào văn học dân gian lẫn văn học tác gia…”

Nay bỗng nhiên biến mất dần và thấy vào đó là từ “lũ”, một từ xa lạ không phản ánh đúng với bản chất vốn có của hiện tượng tự nhiên.

 

Trích “Ăn uống mùa nước nổi - Mắm”:

Chỉ riêng mắm đã có một danh sách thực đơn dài đáng nể: mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá  linh, mắm cá rèn, mắm rươi, mắm còng, mắm ba khía, mắm ruốc...  và chỉ một món mắm đã có những cách ăn khác nhau: mắm sống, mắm kho, kho mắm, mắm chưng, lẩu mắm...

Ai thèm bông súng mắm kho

Về trong Đồng Tháp ăn cho đã thèm.

Một nồi mắm kho “đạt chất  lượng”, phải hội đủ hai yếu tố: thời gian và không gian. Thời gian  có nghĩa là phải được nấu ngay trong mùa nước nổi, mới có đầy đủ vật liệu. Nồi nước mắm phải  được nấu bằng mắm cá sặc hoặc mắm cá  linh; mắm được nấu rệu, lược bỏ xác mắm. Xong cho vào nồi, nêm nếm vừa ăn, cho lên bếp nấu với lửa vừa phải, khi mắm sôi, vớt bỏ bọt, rồi cho vào các thứ đã chuấn bị  sẵn: cá linh non (cỡ ngón  tay út  hoặc nhỏ hơn, xương mềm), thịt ba rọi thái mỏng, một ít khổ qua, cà tím, dưa leo... thái cỡ ngón tay cái, lươn và rắn bông súng được thui sơ  qua (để loại bỏ mùi tanh), bẻ khúc... Khi mắm sôi lên lần nữa, lại phải vớt bỏ bọt, xong nêm lại lần nữa. Nhấc nồi ra khỏi bếp đưa vào mâm;  lưu ý nồi này phải là nồi đất, để suốt bữa ăn mắm vẫn nóng (không phải sôi sung sục như lẩu mắm hiện nay). Trên mâm có để sẵn: rau (gồm bông súng đã tước vỏ, xắt khúc trộn với bông điên điển, giá và rau đắng), chanh ớt... được bày trên xuồng trên ghe hay trong một căn chòi... trong không gian bốn bề toàn là nước. Mọi người có chén riêng, lần lượt để vào một ít  rau, dung muỗng múc mắm cho vào chén, sao cho có đủ cá linh, khổ qua, thịt, rắn, lươn, ít nước; xong vắt  một tí chanh.

Đưa cay nửa chung mắt trâu rượu miệt Tân An (Long An, nơi chuyên nấu rượu bằng nếp), rồi đưa chén lên miệng và vào, cắn một miếng ớt hiểm, rồi từ từ nhai. Cái béo của thịt ba rọi, cái ngọt của cá, lươn, rắn..., cái nhân nhẩn đắng của rau đắng, khổ qua, cái cay của ớt hòa với cái nồng nàn của rượu... trong cái mùi mắm thoang thoảng, đang thấm đậm dần vào từng giác quan  của người dùng. Không biết trên thế giới này có món sơn hào hải vị nào khác, chứ với cư dân đồng bằng sông Cửu Long, như thế là đã đạt đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực dân dã của miệt sông nước trong mùa nước nổi.

Mã hàng9786046861324
Nhà Cung CấpNXB Tổng Hợp TPHCM
Tác giảNguyễn Hữu Hiếu
NXBNXB Văn hóa Văn nghệ
Năm XB2020
Trọng lượng (gr)230
Kích Thước Bao Bì20.5 x 14.5 cm
Số trang220
Hình thứcBìa Mềm
Loading