0

    Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng.

-25%
Một Lý Thuyết Về Công Lý - John Rawls

Một Lý Thuyết Về Công Lý - John Rawls

351,000₫ 468,000₫
Tình trạng : Còn hàng
  • Thương hiệu: AlphaBooks
   Cho vào giỏ hàng
   Mua ngay

“Công lý là phẩm hạnh tiên quyết của các thiết chế xã hội, tương tự như vị trí của chân lý đối với các hệ thống tư tưởng.” (trích chương 1).

Một lý thuyết về công lý là cuốn sách kinh điển khi bàn về vấn đề công lý. Tác giả John Rawls - Giáo sư triết học tại Đại học Harvard cũng được xem là một trong những triết gia về triết học chính trị có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Kể từ khi ra đời năm 1971, “Một lý thuyết về công lý” của John Rawls đã trở thành một tác phẩm kinh điển và quan trọng về đề tài này vì nó cung cấp một khuôn khổ đạo đức để đánh giá và cải thiện các cấu trúc cơ bản của xã hội, chẳng hạn như các thể chế chính trị, luật pháp và kinh tế có ảnh hưởng đến cuộc sống và cơ hội của con người.

Lý thuyết của Rawls đã có ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực và phong trào, chẳng hạn như hiến pháp, quyền con người, quyền dân chủ, phúc lợi, nữ quyền, chủ nghĩa môi trường và công lý toàn cầu.

Tư tưởng bên trong cuốn sách này cũng là nguồn cảm hứng và thách thức đối với ngành lập pháp và thi hành pháp, cũng như những người quan tâm đến luật pháp trên toàn thế giới.

Tác phẩm là một nỗ lực của Rawls trong việc giải quyết vấn đề công bằng về sự phân bổ nguồn lực trong xã hội, nhằm thay thế cho triết học truyền thống chủ nghĩa vị lợi - cho rằng xã hội nên theo đuổi lợi ích lớn nhất cho số đông nhất, nhất quán với ý tưởng về sự chuyên chế của đa số đối với thiểu số - vốn đã thống trị tư tưởng chính trị của người Anglo-Saxon từ thế kỷ 19.

Tác phẩm được chia thành 3 phần, 9 chương:

Phần 1. Lý thuyết, bao gồm các chương: Công lý như là sự công bằng; Các nguyên tắc công lý; Vị thế khởi nguyên.

Phần 2. Thiết chế, bao gồm các chương: Tự do bình đẳng; Phần phân phối; Bổn phận và nghĩa vụ.

Phần 3. Những mục đích, bao gồm các chương: Điều tốt như là lý tính; Cảm thức công lý; Điều tốt của công lý.

Ý tưởng cốt lõi của tác phẩm là “công lý như là sự công bằng”. Quan niệm về công lý này được đặt trên nền tảng của tự do bình đẳng của những cá nhân duy lý (rational individuals) trong một trật tự xã hội mong muốn đạt được sự bình đẳng về cơ hội và phần lợi ích được phân phối cho mọi người, đặc biệt là những người thiệt thòi nhất.

Việc đặt khái niệm công lý trong sự đối trọng với sự công bằng chính là cách mà Rawls thiết lập lý thuyết của mình ở vị trí đối lập với chủ nghĩa vị lợi, vốn không phải là một lý thuyết đề cao sự công bằng. Ý niệm về sự công bằng trong lý thuyết của Rawls được xây dựng và củng cố bằng những lập luận nhấn mạnh đến tự do và vị trí tối thượng của nó, cũng như sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người.

Một điểm thú vị nữa trong tư tưởng của Rawls là ông không gắn lý thuyết về công lý của mình với một chế độ chính trị hay một mô hình kinh tế cụ thể nào: đối với ông, một nhà nước dựa trên chế độ tư hữu hay theo mô hình xã hội chủ nghĩa đều có khả năng trở nên công bằng hoặc bất công - điều cốt lõi là có hay không tuân thủ hai nguyên tắc về công lý mà ông đề cập trong sách.

Sự ra đời của tác phẩm có thể được xem là điểm khởi đầu của một cuộc đại tu bối cảnh triết học, đưa các triết gia chính trị và đạo đức từ mọi trường phái vào một cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh các khái niệm công lý, công bằng, quân bình và tự do. Như Robert Nozick, một triết gia cùng thời với Rawls, đã nhận xét trong “Anarchy, State and Utopia (1974)”: “Từ đây, các nhà triết học chính trị phải đi theo lý thuyết của Rawls, hoặc giải thích lý do tại sao họ không làm như vậy.”

Tuy nhiên, bất cứ tác phẩm nào có tầm ảnh hưởng cũng đều sẽ nhận được những phê phán, chỉ trích, với tác phẩm này thì những ý kiến đối lập cũng không ít.

Dù vậy, “Một lý thuyết về công lý” của John Rawls vẫn cho thấy sức ảnh hưởng vượt thời gian của một tác phẩm kinh điển, khi đã hơn 50 năm trôi qua mà chúng ta vẫn có thể bắt gặp lý thuyết của ông được thảo luận bởi các nhà tư tưởng và học giả trên khắp thế giới.

Phiên bản tiếng Việt này được dịch từ phiên bản sửa đổi hoàn thiện vào năm 1999, không phải là phiên bản gốc được ra mắt công chúng vào năm 1971. Phiên bản này có một số thay đổi, đặc biệt là những lý giải của Rawls để xử lý những chỉ trích và hiểu lầm mà phiên bản đầu tiên đã vấp phải.

Đây là một cuốn sách dài vì vậy tác giả có đưa ra hướng dẫn về cách đọc giúp bạn có thể nắm hầu hết các yếu tố cần thiết của lý thuyết về công lý mà không cần đọc hết cuốn sách.

Cuốn sách thuộc Tủ sách kinh điển pháp luật của Omega+.

Sách cùng tủ đã xuất bản là “Về pháp quyền”, tác phẩm nổi tiếng của Tom Bingham.

THÔNG TIN TÁC GIẢ:

John Bordley Rawls (1921-2002) là triết gia đạo đức và chính trị người Mỹ, giáo sư đại học Harvard. Ông giành Giải thưởng Schock về Logic và Triết học và được tổng thống Bill Clinton trao Huy chương nhân văn quốc gia năm 1999. Ông nổi tiếng với những nghiên cứu về triết học chính trị tự do với nhiều tư tưởng đáng chú ý. Ngoài Một lý thuyết về công lý (1971), ông còn là tác giả của hai cuốn sách khác: Political Liberalism (1993) và The Law of Peoples (1999).

MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN

“Giờ ta có thể nói rằng một xã hội có được tổ chức tốt hay không không chỉ dựa trên khả năng của nó trong việc thúc đẩy lợi ích cho thành viên, mà còn ở việc nó có được điều phối hiệu quả bằng một quan niệm chung về công lý hay không. Nghĩa là, đó là một xã hội mà trong đó (1) mọi người đều chấp nhận và biết rằng người khác cũng chấp nhận các nguyên tắc công lý giống mình, và (2) các thiết chế nền tảng của xã hội, trên phương diện tổng thể, có khả năng thỏa mãn được các nguyên tắc công lý và nhìn chung mọi người thừa nhận như vậy.”

“Trong “công lý như là sự công bằng”, vị thế khởi nguyên bình đẳng tương ứng với trạng thái tự nhiên (state of nature) trong các lý thuyết khế ước xã hội truyền thống.”

“Các nguyên tắc về công lý được lựa chọn đằng sau một bức màn vô minh (veil of ignorance). Điều này đảm bảo rằng không ai có được lợi thế hay phải chịu bất lợi trong việc lựa chọn các nguyên tắc dựa trên hệ quả của cơ hội tự nhiên hay sự ngẫu nhiên của các hoàn cảnh xã hội.”

“Khi một quan niệm về công lý đã được lựa chọn, chúng ta có thể giả sử rằng nó sẽ giúp ta chọn ra một bản hiến pháp hay một bộ máy lập pháp…, tất cả đều phù hợp với những nguyên tắc về công lý được đồng thuận lúc đầu. Tình trạng xã hội của chúng ta sẽ được xem là công bằng nếu thông qua chuỗi đồng thuận mang tính giả thuyết này, chúng ta cam kết tuân thủ hệ thống luật lệ phổ quát đã xác định ra nó. Hơn nữa, giả sử vị thế khởi nguyên đã xác định được một tập hợp các nguyên tắc (nghĩa là, một quan niệm công lý cụ thể đã được chọn), thì khi các thiết chế xã hội thỏa mãn được các nguyên tắc ấy, các thành viên có thể nói với nhau rằng họ đã hợp tác dựa trên những điều khoản mà chắc chắn họ sẽ đồng ý nếu là những con người tự do, bình đẳng và ngang bằng trong mối quan hệ giữa họ.”

““Công lý như là sự công bằng” không phải là một lý thuyết khế ước hoàn thiện. Bởi rõ ràng ý tưởng khế ước luận có thể được mở rộng cả đến việc lựa chọn gần như toàn bộ hệ thống đạo đức, có nghĩa là một hệ thống bao gồm các nguyên tắc dành cho mọi phẩm hạnh chứ không chỉ riêng công lý.”

“…sẽ là hợp lý và nói chung là chấp nhận được, rằng không ai nên được lợi hoặc bị bất lợi bởi sự may rủi của tự nhiên và hoàn cảnh xã hội khi lựa chọn các nguyên tắc công lý. Đồng thời, chúng ta cũng chấp nhận rộng rãi rằng không ai có thể thay đổi các nguyên tắc cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của bản thân. Hơn nữa, chúng ta có thể đảm bảo rằng những thiên hướng, khát vọng, và cả quan niệm của mỗi cá nhân về điều tốt sẽ không ảnh hưởng đến những nguyên tắc mà họ lựa chọn. Mục tiêu là loại bớt những lựa chọn vốn sẽ thích hợp để được đưa ra và kêu gọi sự chấp nhận, bất kể có ít khả năng thành công đến đâu, chỉ khi ai đó biết được một số thứ nhất định mà từ góc độ công lý là không mấy liên quan.”

“Bởi nguyên tắc áp dụng cho cá nhân là thúc đẩy tối đa phúc lợi hay hệ mong muốn của bản thân, nên nguyên tắc áp dụng cho xã hội sẽ là thúc đẩy tối đa lợi ích của cả xã hội, là hiện thực hóa tối đa hệ mong muốn tổng hợp của toàn bộ các thành viên. Cũng như mỗi cá nhân cân bằng những được-mất trong hiện tại và tương lai, một xã hội cũng cân bằng sự thỏa mãn và bất mãn của các cá nhân với nhau.”

Mã hàng8935270704254
Tên Nhà Cung CấpAlpha Books
Tác giảJohn Rawls
Người DịchPhạm Quốc Việt
NXBTri Thức
Năm XB2023
Ngôn NgữTiếng Việt
Trọng lượng (gr)760
Kích Thước Bao Bì24 x 16 x 3.7 cm
Số trang748
Hình thứcBìa Mềm
Loading