Luận Về Đại Chiến Lược - John Lewis Gaddis
- Thương hiệu: AlphaBooks
-
Thông tin chi tiết
-
Mô tả sản phẩm
-
Bình luận sản phẩm
Cuốn sách kinh điển này khám phá ý nghĩa của “đại chiến lược” bằng cách kể lại những quyết định mang tính định mệnh nhất và cả tồi tệ nhất trong lịch sử. Hầu hết những quyết định ấy đều liên quan đến các cuộc chinh phạt: cuộc xâm lược Hy Lạp của vua Ba Tư Xerxes năm 480 TCN, vua Philip II của Tây Ban Nha xâm lược Anh vào năm 1588, cuộc tấn công của Napoleon vào Nga năm 1812. Qua đây, Gaddis nêu bật sai lầm của việc tập trung vào “khát vọng vô hạn” mà phớt lờ “khả năng có hạn” của mỗi người.
Ông cũng trích dẫn lời nhà triết học Isaiah Berlin, mượn lời nhà thơ Hy Lạp cổ đại Archilochus, hay kể câu chuyện giữa con cáo, kẻ biết nhiều điều, và con nhím, kẻ biết duy nhất một điều lớn lao… từ đó rút ra kết luận rằng các chiến lược gia vĩ đại được coi là “vĩ đại” vì luôn biết cách tập trung vào các mục tiêu bao quát mà không xa rời thực tế. Tâm trí họ vươn xa nhưng đôi chân luôn chạm đất.
Cuốn sách cũng là lời nhắc nhở thế hệ tương lai rằng nếu lãng quên tư duy đại chiến lược, phía trước bạn ắt sẽ là vũng lầy, bế tắc và những kiểu sai lầm rút cạn nguồn lực của bạn vào các mục tiêu không tưởng.
Trích đoạn/ nhật xét:
Lịch sử là một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, nhưng ba điểm QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI và TƯƠNG LAI không bao giờ nằm trên một đường thẳng.
Lòng tham lam vô độ và tính ích kỷ bệnh hoạn – bản tính cố hữu của con người – đã bẻ cong lịch sử. Chúng ta có thể hiểu được 80% những điều đã xảy ra, 50% những điều đang xảy ra nhưng không thể biết những điều sắp xảy ra (0%).
Dẫu không biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng muốn hay không, mọi người vẫn phải hướng đến tương lai; do đó, ta luôn phải trù liệu, dự báo xem tương lai sẽ thế nào, có điều gì tốt hay xấu có thể tác động đến cuộc sống của mình. Khác hẳn với đường cao tốc, đường đời khá quanh co, khúc khuỷu và phía trước đầy bất trắc, thậm chí cả thảm họa khôn lường. Lịch sử mách bảo chúng ta: Những người sống hời hợt, chủ quan, thiếu tầm nhìn xa trông rộng, không hiểu mình, hiểu người, không hiểu thời thế, sớm muộn cũng sẽ nếm trải thất bại.
2.500 năm lịch sử văn minh nhân loại đã xác nhận: Sự hưng vong, thịnh suy của các quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào những người (trong nhiều trường hợp chỉ là một người) nắm quyền lực tối cao. Khi người đó có đủ ba phẩm chất cơ bản là TÂM, TRÍ, DŨNG, chắc chắn quốc gia đó sẽ hưng thịnh, người dân sẽ có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. TÂM là điều kiện tiên quyết mà người nắm quyền lực quốc gia phải có, nếu tâm không sáng, họ chỉ là những hôn quân, bạo chúa và bị lịch sử phỉ báng. Do đó, khi bàn đến chiến lược hay đại chiến lược của những người nắm quyền lực quốc gia, người ta chỉ tập trung nói về TRÍ và DŨNG của họ (mặc nhiên thừa nhận họ có tâm sáng) mà quên mất một điều rằng đời sống của hàng triệu, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ người và vinh nhục của một quốc gia dân tộc phụ thuộc vào cả tâm, trí và dũng của người đó. Để tránh thảm họa cho quốc gia, dân tộc, người nắm quyền lực tối cao phải có tầm nhìn xa trông rộng, phải dự báo sớm và gần đúng mọi nhân tố tác động đến cả hai chiều thuận-nghịch đối với an ninh, sự phát triển của đất nước, từ đó xác định mục tiêu cần đạt được, khả năng và phương pháp huy động các nguồn lực hướng tới để thỏa mãn mục tiêu đặt ra. Tùy theo tầm vóc, quy mô, tính chất của nhiệm vụ, đó được coi là chiến lược hay đại chiến lược quốc gia.
Luận về Đại chiến lược của John Lewis Gaddis không phải là cuốn giáo trình về chiến lược học. Trong cuốn sách, chúng ta sẽ không tìm thấy nhiều vấn đề cơ bản như: Thế nào là đại chiến lược (như một định nghĩa), nội dung của đại chiến lược, phương pháp xây dựng đại chiến lược, huy động nguồn lực thực hiện đại chiến lược, đánh giá tính khả thi và hiệu quả của đại chiến lược, v.v.. Thay vào đó, tác giả đã rất công phu, nghiêm túc dựng lại một số sự kiện nổi bật trong lịch sử loài người từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên đến nay. Mỗi sự kiện nổi bật gắn với tên tuổi của một số nhân vật có vai trò quyết định, một số người thành công lưu danh muôn thuở, số khác chịu thất bại thảm hại nhưng sự kiện nào cũng để lại bài học đáng giá cho hậu thế.
Tại sao Xerxes – “vua của các anh hùng” – lại thất bại khi vượt eo biển Hellespont để tiến đánh Hy Lạp vào giữa thế kỷ thứ V trước Công nguyên?
Tại sao Napoleon lại thua Kutuzov tại Borodino năm 1812 – trận chiến chôn vùi sự nghiệp lẫy lừng của Napoleon, và tại sao Kutuzov lại giành chiến thắng?
Tại sao Abraham Lincoln lại trở thành vị Tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ?
Tại sao Franklin Delaus Roosevelt lại là vị Tổng thống thành công nhất và để lại dấu ấn nổi bật nhất trên chính trường Mỹ nói riêng, trên chính trường phương Tây nói chung trong nửa đầu thế kỷ XX?
Trong Luận về Đại chiến lược, John Lewis Gaddis còn phân tích chi tiết hàng chục sự kiện lớn khác trong lịch sử thế giới, kể cả việc Mỹ tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và chiến tranh Việt Nam (1954-1975), v.v.. Thông qua việc phân tích các sự kiện lịch sử nổi bật và lý giải nguyên nhân thất bại, nguyên nhân thành công của các nhân vật lịch sử, tác giả cuốn sách gián tiếp hé lộ: đại chiến lược là bức tranh gồm hai mảng – mục đích hay tham vọng (thường vô hạn) và phương tiện hay nguồn lực (thường hữu hạn). Người nào kết hợp hợp lý, hài hòa giữa mục đích và nguồn lực, giữa cái vô hạn (tham vọng) và cái hữu hạn (nguồn lực), người đó có khả năng xây dựng và thực thi đại chiến lược thành công. Ngược lại, nếu trong quá trình xây dựng đại chiến lược, không kết hợp hài hòa, hợp lý giữa mục tiêu và nguồn lực thì sớm muộn cũng thất bại.
Người nắm quyền lực tối cao của quốc gia phải tiên lượng được mọi nhân tố tác động theo cả hai chiều thuận-nghịch, dự báo được những biến cố có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu nhất, đồng thời đánh giá đúng mọi nguồn lực, công cụ, phương tiện có thể huy động được, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược hay đại chiến lược phát triển.
Những người bảo thủ cũng như những kẻ bốc đồng dễ bị kích động không bao giờ có được chiến lược đúng đắn và thất bại luôn là bạn đồng hành của họ. Các nhà chiến lược tài ba có chung đặc điểm: nhạy cảm với mọi thứ mới lạ nhưng không để mất sự tỉnh táo; có tư duy tự phản biện; luôn giữ được sự điềm tĩnh và chín chắn trong mọi hoàn cảnh; biết lắng nghe và chọn lọc mọi ý kiến, kể cả ý kiến phản đối nhưng vẫn đưa ra được quyết định đúng đắn; khi có thời cơ phải quyết đoán, khi không chắc thắng phải dừng, thậm chí lùi lại…
Khi lý giải, phân tích các sự kiện chính trị trên chính trường thế giới, đôi lúc Gaddis vẫn tiếp cận vấn đề một chiều theo lập trường của phương Tây. Do đó, một số vấn đề trong cuốn sách cần được tiếp thu có tính phê phán.
Luận về Đại chiến lược không phải là cuốn sách “gối đầu giường” như Binh Pháp Tôn Tử, nhưng là một công trình cần thiết và hữu ích đối với những ai tham gia vào hoạt động xây dựng việc hoạch định và chỉ đạo thực hiện quyết sách quốc gia nói chung, chiến lược phát triển đối với ngành (lĩnh vực) và khu vực lãnh thổ, địa phương và tổ chức nói riêng. Ngoài ra, nó là một công trình khoa học nghiêm túc, có hàm lượng khoa học cao và giá trị về nhiều mặt, là một tác phẩm không thể không đọc dành cho các cán bộ nghiên cứu, sinh viên tại các trường đại học, nhất là các học viện/nhà trường trong các ngành ngoại giao, quốc phòng, an ninh.
Nhận xét của độc giả uy tín:
“Một áng văn kinh điển gói gọn mọi thông tin súc tích nhất về đại chiến lược… Một tác phẩm ‘đáng đọc’ đối với bất cứ ai đang và sẽ là một nhà lãnh đạo.”
- The Wall Street Journal
Về tác giả:
John Lewis Gaddis:
- Nhà nghiên cứu được coi là “trưởng khoa của các nhà sử học về Chiến tranh Lạnh”
- Giáo sư Đại học Yale, người nắm giữ rất nhiều giải thưởng, trong đó có cả giải thưởng Pulitzer
- Một trong những nhà sử học hàng đầu nước Mỹ
- Cố vấn cho Nhà Trắng dưới thời George W. Bush
Tên Nhà Cung Cấp | Alpha Books |
---|---|
Tác giả | John Lewis Gaddis |
Người Dịch | Quang Thiệu |
NXB | NXB Thế Giới |
Năm XB | 2020 |
Trọng lượng (gr) | 460 |
Kích Thước Bao Bì | 24 x 16 cm |
Số trang | 452 |
Hình thức | Bìa Mềm |