Hồi Ký Phóng Viên Chiến Trường - Trên Những Nẻo Đường Chiến Tranh Và Hòa Bình - Trần Mai Hưởng
- Thương hiệu: AlphaBooks
-
Thông tin chi tiết
-
Mô tả sản phẩm
-
Bình luận sản phẩm
Nghề báo là một nghề thực sự nguy hiểm, đặc biệt là đối với các phóng viên chiến trường, những người phải lăn lộn ở những nơi có tiếng súng, tiếng bom nhằm cung cấp đến cho độc giả những dòng tin, hình ảnh về những gì đang xảy ra ở vùng chiến sự ác liệt. Họ thực sự ở giữa lằn sinh tử trước mũi tên hòn đạn.
Chúng ta càng thấy rõ điều này trong cuốn sách “Hồi ký phóng viên chiến trường” của tác giả, nhà báo Trần Mai Hưởng. Có thể nói, hình ảnh chia ly do chiến tranh đã xuất hiện ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách do tác giả phải đi sơ tán từ khi còn là một cậu bé 13 tuổi, phải sống xa gia đình. Tiếng còi báo động khi máy bay Mỹ đến cũng là ký ức khó quên gắn với tuổi thơ của tác giả.
Trong cuốn sách, chúng ta như bị cuốn vào những trải nghiệm của một phóng viên chiến trường trong việc kịp thời đưa tin, bài, ảnh đến với độc giả, hiểu được phần nào cảm giác của một phóng viên đứng giữa sự sống và cái chết. “Đột nhiên, đất chuyển, rồi tôi thấy một loạt bom giăng ngay trước mặt, một khoảng chân không làm mình cảm thấy khó thở, rồi những đợt sóng trong không gian ập tới…”. Bất chấp bom rơi, đạn vãi, pháo nổ, những hiểm nguy đến tính mạng luôn rình rập, người phóng viên vẫn có mặt ở những tuyến đầu để kịp thời đưa tin, bài và ảnh để bạn đọc nắm bắt được tình hình.
Giữa những hy sinh, gian khổ ấy, hình ảnh chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta được tác giả Trần Mai Hưởng khắc họa rõ nét trong từng chi tiết như giải phóng Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế… và đặc biệt là giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tác giả nằm trong số những phóng viên có mặt ở tuyến đầu khi Quảng Trị vừa được giải phóng, là người tận mắt chứng kiến, ghi chép lại những khoảnh khắc trao trả tù binh giữa hai bên và niềm vui vỡ òa khi những chiến sĩ của ta bị tù đày gặp lại người thân. Sau Quảng Trị, tác giả cũng có mặt ở Đà Nẵng sau khi thành phố này được giải phóng để kịp thời đưa tin trong một hành trình đầy gian nan trên chiếc xe máy. Rồi tác giả cũng là người có mặt ngay trong buổi sáng đầu tiên khi Thừa Thiên - Huế được giải phóng, kịp thời chuyển tải tin bài về không khí ngày hội của thành phố này. Và điều đáng nhớ nhất là tác giả kịp thời có mặt tại Dinh Độc Lập để kịp thời ghi lại khoảnh khắc “chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh”. Bức ảnh này sau đó được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà với tác giả “là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo” của mình. Không khí vui tươi, phấn khởi của người dân Sài Gòn khi thành phố được giải phóng hoàn toàn hiện lên thật sinh động, đa dạng dưới ngòi bút của tác giả.
Không chỉ tham gia đưa tin về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, tác giả, nhà báo Trần Mai Hưởng còn tham gia đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước. Ông là phóng viên trực tiếp có mặt tại Phnom Penh khi thành phố này được giải phóng để kịp thời có những tin, bài, ảnh về giải phóng thành phố này cũng như Svay Rieng, Prey Veng và nhiều hình ảnh khác về Campuchia. Rồi khi bộ đội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ trên nước bạn, ông cũng là người tận mắt chứng kiến tình cảm tốt đẹp của người dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam. Sau này, tác giả còn có mặt ở Hà Giang và Cao Bằng trong cuộc chiến đấu chống quân bành trướng xâm lược,
Ông còn có dịp đặt chân đến đất Mỹ, tìm về “dấu mốc liên quan đến ký ức” của ông, đó là đài tưởng niệm về chiến tranh Việt Nam ở New York và Washington. Những ghi chép của ông về người gốc Việt ở Mỹ cũng hiện lên rất sống động và những người gốc Việt nơi đây vẫn luôn nhớ về và mong muốn quê hương, đất nước luôn phát triển giàu mạnh.
Cuốn sách dày 468 trang, có 11 phần, trình bày trang trọng, được Nhà xuất bản Thông tấn, thương hiệu sách Sống/ Công ty Cổ phần Sách Alpha Books phối hợp xuất bản. Sách được phát hành trên toàn quốc.
Về cuốn “Hồi ký Phóng viên chiến trường”
Trải qua 4 cuộc chiến tranh của thế kỷ XX, cả nước ta có khoảng 500 Nhà báo Liệt sĩ. Họ là những người đã ngã xuống trên các chiến trường khác nhau, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, giành hòa bình, tự do cho dân tộc. Qua nhiều lần xác nhận, đối chiếu, số Nhà báo Liệt sĩ của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được xác nhận là hơn 260 người.
Nhà báo Trần Mai Hưởng là một trong số những người còn sống trở về. Và bây giờ, ông kể lại cho chúng ta nghe về cuộc đời của người Phóng viên chiến trường – những người chép sử bằng máu trong lửa đạn.
Viết Lời giới thiệu cuốn Hồi ký này, Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận xét:
“Quý vị độc giả thân mến!
Hồi ký – Tự truyện là một thể loại khó, và dường như chỉ dành cho những cuộc đời giàu có trải nghiệm.
Nhà báo Trần Mai Hưởng có cuộc đời như thế. Từ khi còn là một nhà báo rất trẻ của Thông tấn xã Việt Nam, ông đã có mặt rất sớm trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Ông đã trải qua “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 ở Quảng Trị; là một trong những nhà báo đầu tiên vào Huế khi Cố đô vừa giải phóng; có mặt ở Đà Nẵng khi thành phố lớn thứ hai của miền Nam vừa giải phóng; có mặt ở Dinh Độc Lập ngay trong ngày 30/4/1975 lịch sử; có mặt ở Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979, khi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia tiến vào đây, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot; có mặt ở Hà Giang, Cao Bằng trong cuộc chiến đấu chống quân bành trướng xâm lược.
Nhà báo Trần Mai Hưởng đã cùng đông đảo các đồng nghiệp thuộc thế hệ của mình ở Thông tấn xã Việt Nam – Thông tấn xã Giải phóng, qua những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của chiến tranh, trên khắp các chiến trường, thực hiện thiên chức của những người “chép sử bằng máu mình trong lửa đạn”, trong đó hàng trăm nhà báo đồng nghiệp đã hy sinh. Họ đã góp phần làm nên truyền thống Anh hùng của cơ quan Thông tấn quốc gia, cùng đội ngũ báo chí cả nước trong cuộc đấu tranh chung vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong cuộc đời mình, nhà báo Trần Mai Hưởng đã đi khắp giang sơn, từ Lũng Cú – cực Bắc tới Apachải - cực Tây Tổ quốc. Ông đến biển Nam, biển Tây, đến nơi sông Đà chảy vào đất Việt, đến nơi sông Mã vòng trở lại đất Việt… Ông đi từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, đi từ bờ Đại Tây Dương sang bờ Thái Bình Dương. Ông đã đi nhiều nước, nhiều châu lục trên thế giới.
Nhưng cuốn sách này không chỉ có những bước chân mà còn có cả vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu; có những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình. Với văn phong tưởng như chất phác mà rất giàu chất thơ, cuốn Hồi ký không chỉ giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo chúng ta nói riêng.
Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tôi mong rằng mỗi người làm báo chúng ta đều đọc “Phóng viên chiến trường” của nhà báo kỳ cựu Trần Mai Hưởng ít nhất một lần. Và tôi cũng mong rằng, cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, để bạn bè năm châu hiểu hơn về con người và Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Xin trân trọng giới thiệu “Hồi ký Phóng viên chiến trường” của nhà báo Trần Mai Hưởng tới bạn đọc”.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Nhà báo Trần Mai Hưởng sinh năm 1952 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông từng giữ chức Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Lời cuối sách, ông viết:
“Tôi viết lại những dòng hồi ức này khi đã ở tuổi ngoài 70. Cuộc đời hiện lên như một cuốn phim quay chậm qua những tháng năm, với nhiều sự kiện, nhiều gương mặt và hoàn cảnh đã sống. Đã 65 năm kể từ khi tôi rời ghế nhà trường phổ thông vào học lớp phóng viên TTXVN khóa 8. Tôi đã dành trọn cuộc đời mình để theo nghề báo. Công việc đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm, được trải qua nhiều thử thách trong chiến tranh và hòa bình, được chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong lịch sử đất nước. Đối với tôi, đấy thực sự là một may mắn lớn.
Trên đường đời, từ những năm tháng trẻ trung cho đến những năm sau này, tôi đã được gặp gỡ nhiều người, nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ và những tình cảm rất tốt đẹp. Tôi chịu ơn sâu sắc cơ quan TTXVN, những nhà lãnh đạo qua các thời kỳ và các thế hệ cán bộ của ngành đã dìu dắt, giúp đỡ tôi. Chính công việc là một phóng viên Thông tấn đã cho tôi những cơ hội nghề nghiệp, được chứng kiến những sự kiện, những đổi thay của cuộc sống, và góp phần nhỏ bé của mình vào công việc chung. Chính trong biển cả mênh mông vô tận của cuộc sống, tôi được rèn luyện và trưởng thành.
Nghề làm báo, làm Thông tấn, đặc biệt là Phóng viên Chiến trường, là một thử thách rất khắc nghiệt. Trong chiến tranh, để có mặt kịp thời, chứng kiến những sự kiện, người phóng viên thực sự là những chiến sĩ. Những nguy hiểm, hy sinh cận kề trong gang tấc. Đằng sau mỗi dòng tin, bức ảnh là tinh thần vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Có mặt kịp thời đã khó, tác nghiệp và đưa những sản phẩm về cơ quan, tòa soạn nhiều khi cũng đòi hỏi những hy sinh, cố gắng rất lớn lao. Người phóng viên không chỉ đối mặt với kẻ thù, đạn bom mà còn phải vượt lên cả những suy tư, lo lắng của mỗi cá nhân trong lằn ranh sống chết để hoàn thành sứ mệnh của “những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn”. Khói lửa chiến tranh đã hun đúc, rèn luyện nên bản lĩnh, tinh thần kiên định, vượt qua mọi thách thức khó khăn. Bằng công việc của mình, qua những bài báo, bức ảnh, những cuốn phim - với tư cách là những nhân chứng tin cậy - người phóng viên góp phần động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, người dân trong sự nghiệp chung. Đấy là một vinh dự nghề nghiệp đáng tự hào!
Tôi đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng. Tôi đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát vô cùng lớn lao của con người. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã ngã xuống trên chiến trường, với máy ảnh và vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở. Sự hy sinh đó là vô giá. Là những người may mắn trở về, sự sống trong mỗi chúng tôi luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt. Vì thế, sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về, luôn là một câu hỏi lớn cho mỗi con người hôm nay.
Tôi chịu ơn sâu nặng của gia đình. Bố mẹ và các anh chị em luôn thương yêu, đùm bọc và nâng đỡ tôi trong cuộc sống… Tôi biết ơn vợ tôi, nhà giáo Bùi Thị Kim Vân, người đã dành tình cảm trọn vẹn cho tôi ngay từ những năm tuổi trẻ, gắn bó với tôi qua những năm tháng gay go nhất của cuộc sống.
Tôi đã nhận được nhiều may mắn và ơn nghĩa từ cuộc sống này. Những gì tôi là làm được rất khiêm tốn và không khỏi có những nuối tiếc khi nhìn lại những năm tháng đã qua. Giá như có một cơ hội thứ hai, tôi có thể sống và làm mọi việc tốt hơn, nhiều hơn nữa. Nhưng đời người chỉ sống một lần. Tôi hạnh phúc vì đã sống một cuộc sống như vậy và nếu có thể chọn lựa lại, tôi vẫn xin làm một người làm báo để ca ngợi những điều tốt đẹp và con người và cuộc sống trên đất nước thân yêu của mình.
TRÍCH ĐOẠN/ CÂU QUOTE HAY
“Tôi nhớ nhất hình ảnh mấy anh bộ đội giải phóng trẻ tuổi trước cửa trại lính Nguyễn Tri Phương, nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ, nơi có trụ sở quân đoàn 1 của quân Sài Gòn, quân đoàn mà tư lệnh của nó, Trung tướng Ngô Quang Trưởng đã từng tuyên bố: "Phải giữ Đà Nẵng bằng bất kỳ giá nào!"
Và ngay khi những lời tuyên bố đó đang được quảng cáo trên báo chí Sài Gòn thì cũng là lúc Ngô Quang Trưởng bỏ mặc các sĩ quan binh lính và quên cả mệnh lệnh của chính mình, nhảy ra tầu biển chuồn ra khơi. Anh chiến sĩ giải phóng dẫn tôi lên buồng làm việc của Ngô Quang Trưởng ở tầng hai, dãy nhà bên phải. Bản đồ hành quân, tài liệu, sách vở, ảnh kỷ niệm tung toé trên sàn nhà. Lá cờ 3 sao (cờ Trung tướng) chúi đầu xuống đất và một bức ảnh Ngô Quang Trưởng vứt dưới chân bàn. Một anh lính trẻ đang ngồi trên chiếc ghế bành có ba ngôi sao trên nền vải trắng, ghế cấp hàm của viên tướng này. Phòng của Ngô Quang Trưởng có rất nhiều sách. Tôi với tay lấy một quyển trên giá sách, cuốn "Bão lụt miền Trung". Khi ấy, tôi chợt nghĩ không phải bão lụt miền Trung mà chính là bão lửa miền Trung, bão lửa Việt Nam đã thiêu cháy sự nghiệp của Ngô Quang Trưởng.Và cũng chính bão táp cách mạng đã đem lại bình minh cho thành phố, để một cuộc sống mới trên thành phố cửa biển này bắt đầu”.
…
“Chúng tôi được lệnh trở về Sài Gòn gấp và mang theo các tài liệu đã có. Mấy anh em trong tổ chia tay Chính ủy Phạm Sinh, người quê hương Nam Định rất chân tình và quan tâm đến cánh nhà báo, chia tay các đồng chí ở Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị. Chúng tôi tạm biệt Nhật Nam, Thanh Hải với nhiều lưu luyến với lời hẹn gặp ở Phnôm Pênh. Các anh vẫn phải tiếp tục công việc của mũi phóng viên theo Quân đoàn. Mấy anh em ôm nhau rất chặt. Hiểm nguy vẫn đang rình rập. Sự hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào. Sáng hôm ấy, chúng tôi theo trực thăng lên đón Thiếu tướng Kim Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn về họp ở Mặt trận. Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông, một người anh hùng của Tây Nguyên, của chiến trường Campuchia. Ông mặc bộ đồ màu ghi nhạt rất giản dị, trên vạt áo còn cả vết cháy của tàn thuốc. Chúng tôi qua Phnôm Pênh trên đường về Sài Gòn. Tôi nhớ khi đến Phnôm Pênh, Tư lệnh Kim Tuấn có một yêu cầu rất nhỏ nhẹ với tổ lái:
- Các cậu bay một vòng cho mình ngắm Phnôm Pênh một chút!
Tôi hiểu được tâm trạng của ông. Đấy là trái tim của đất nước này, một đất nước mà ông cùng các đồng đội của mình lại một lần nữa không ngại hy sinh, gian khổ, không tiếc máu xương, ra trận để bảo vệ tổ quốc và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng. Mấy tuần lễ sau, khi đang ở Phnôm Pênh, tôi sững sờ nghe tin ông đã hy sinh trong khi cùng Bộ Tư lệnh hành quân từ Kôngpông Chàm về Xiêm Riệp. Một phát đạn bắn lén của lính Pôn Pốt ở bên đường đã trúng vị Tư lệnh quả cảm đó…”
Mã hàng | 8936158591799 |
---|---|
Tên Nhà Cung Cấp | Alpha Books |
Tác giả | Trần Mai Hưởng |
NXB | Thông Tấn |
Năm XB | 2023 |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Trọng lượng (gr) | 490 |
Kích Thước Bao Bì | 24 x 16 x 2.3 cm |
Số trang | 474 |
Hình thức | Bìa Mềm |