Hoàng Hậu In Hyeon - Chung Eun Im
- Thương hiệu: NXB Văn Hoá Văn Nghệ
-
Thông tin chi tiết
-
Mô tả sản phẩm
-
Bình luận sản phẩm
Cuộc đời của hoàng hậu In Hyeon tuy ngắn ngủi (35 năm), nhưng người phụ nữ ấy vẫn sống mãi bên cạnh chúng ta cho đến ngày hôm nay. Thuở nhỏ, nàng In Hyeon vô cùng hiếu thảo với mẹ kế. Sự khéo léo của nàng (thêu thùa và dệt vải) vượt trội hơn người như có thần linh giúp đỡ, nhưng nàng không hề hãnh diện về điều đó. Nhờ vậy mà nàng được chọn làm hoàng hậu. Sau khi lên ngôi hoàng hậu, nàng đối xử hết lòng với bề trên (bà cố của vua và mẹ của vua), nàng cai quản hậu cung và các cung nữ bằng lòng tốt của mình. Vì vậy, nàng In Hyeon trở thành tấm gương cho dân chúng.
Hơn nữa, khi bị phế truất bởi mưu kế hãm hại của hy tần Jang, nàng In Hyeon vẫn không hề oán hận người khác. Khi được phục vị, nàng cũng không hề khác trước kia. Chính vì vậy, hình ảnh hoàng hậu In Hyeon trước sau như một, không dễ dàng thay đổi khi gặp nạn, được xem là mẫu người lý tưởng nhất, phù hợp với đạo lý của thời đại lúc bấy giờ.
----------------------------------
Khi Chung Eun Im bắt tay vào việc hiệu đính và chú giải tác phẩm “Hoàng hậu In Hyeon truyện”, tôi đã bắt đầu từ tài liệu của thư viện quốc gia - cuốn sách vốn được xuất bản dựa theo tài liệu của tủ sách Garam. Theo tài liệu này, Park Tae Bo không những là một con người đường đường chính chính và là một vị quan trung thành, mà những cuộc đối thoại giữa ông và vua Suk Jong cũng rất thú vị và đầy chất văn chương. Vào học kỳ mùa thu năm ngoái, tôi vừa giảng dạy môn ‘Lý luận về tiểu thuyết cổ điển’ vừa giải thích cho sinh viên hiểu một cách tường tận về sự khác biệt giữa các dị bản của “Hoàng hậu In Hyeon truyện”. Công việc đó hết sức vất vả. Khi đó, tôi đã trực tiếp so sánh bản gốc (母本)với các bản phái sinh (派生本)và tôi suy nghĩ rằng nếu có thể được tôi sẽ làm cho nội dung của tác phẩm trở nên dễ hiểu hơn.
Vì vậy, tôi đã quyết định chú thích cả tài liệu của tủ sách Garam. Trong quá trình chú thích, tôi đã đối chiếu với cuốn “Hoàng hậu In Hyeon truyện” của tủ sách Garam (Nhà xuất bản Văn hóa Ất Dậu, 1971) do giáo sư Lee Sang Bo hiệu đính và chú giải, cuốn“Nhật ký năm Quý Sửu” và “Hoàng hậu In Hyeon truyện” (Nhà xuất bản Sam Jung Dang, 1980) của thư viện quốc gia do giáo sư Kim Yong Suk hiệu đính và chú giải. Các bản hiệu đính và chú giải của hai vị giáo sư này chỉ là nơi để cất trữ tài liệu, nên phần chú thích khá sơ sài.
Đồng thời, các bản hiệu đính và chú giải ấy đã được xuất bản cách đây 20 - 30 năm. Vì vậy, chúng ta cần có phần chú thích mới phù hợp với phong cách chữ Hangul của thời đại ngày nay. Vì đây là thể loại văn chương cung đình, nên tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng cần phải có phần chú thích chi tiết toàn bộ nội dung về văn hóa cung đình.
Tôi đã có dịp giới thiệu tác phẩm này trong các buổi phát sóng về văn chương cung đình vào mùa đông năm ngoái. Nhờ trào lưu sử kịch của chương trình phát sóng này mà văn hóa cung đình, ẩm thực cung đình, và cả văn chương cung đình - vốn xa lạ với quần chúng - đã thu hút được nhiều người quan tâm. Nói cách khác, lâu nay các nhà nghiên cứu văn học Hàn Quốc đang bị lạc lõng. Một người từng làm việc một cách lẻ loi như tôi, nay có cơ hội được phổ biến dòng văn chương cung đình cho quần chúng, thì đó là điều hết sức phấn khởi.
Trên đây là một đoạn văn miêu tả cảnh Yeong Chang đại quân lúc còn nhỏ bị lôi ra khỏi hoàng cung trong tác phẩm “Nhật ký năm Quý Sửu”. Trong giây phút lắng nghe những câu văn sinh động và nhã nhặn ấy bằng một chất giọng trong trẻo, lồng ngực tôi nghẹn ứ, sống mũi cay cay. Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên cái cảm xúc lúc đó.
Trường đại học Gangnam, nơi tôi đang làm việc, là nơi duy nhất trong cả nước có mở lớp học về văn chương cung đình, môn học có tên gọi là ‘Văn chương và phong tục trong cung đình’. Phải chăng vì sự hiếu kỳ và sự quan tâm của các em sinh viên về văn chương cung đình hay vì các em hiểu được tấm lòng thành khẩn của tôi mà năm học nào tôi cũng có những tiết dạy vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, rất tiếc là văn chương cung đình vẫn chưa được nghiên cứu ở bậc cao học, nên tôi không thể đào tạo được lớp người tiếp nối. Sự tiếc nuối ấy trầm trọng hơn theo năm tháng và bây giờ thì sự tiếc nuối ấy đã trở thành nỗi buồn trong tôi. Vì các ngành học thường bị ảnh hưởng nhiều bởi trào lưu của thời đại. Có một thời, việc nghiên cứu những tác phẩm vẽ lên cuộc sống của các bậc sĩ đại phu thuộc tầng lớp quý tộc trở thành khuynh hướng chủ đạo. Song gần đây lại bùng nổ việc tìm hiểu về văn chương của tầng lớp bình dân như thể loại kịch pansori nói về sức mạnh của quần chúng. Điều đáng nói là, so với văn chương của tầng lớp quý tộc thì văn chương của tầng lớp bình dân được quan tâm tương đối muộn màng hơn nhưng lại được nghiên cứu một cách có hệ thống. Mặc dù vậy, văn chương cung đình vẫn còn là lĩnh vực chưa được quan tâm đến. Tôi cho rằng, thật đáng quý khi mọi lĩnh vực đều được nghiên cứu một cách đồng đều. Và tôi lo rằng: “Phải chăng văn chương cung đình trong nền văn học của chúng ta đang bị gián đoạn?”
Cuốn sách này được xuất bản với sự trợ giúp của nhiều người. Họ đã cùng làm việc với tôi trong suốt ba năm và họ đều là những người ấp ủ giấc mơ muốn khai thác dòng văn chương cung đình.
Đầu xuân 2004
Tại phòng nghiên cứu dưới chân núi Sinae
Chung Eun Im
Mã hàng | 9786046849094 |
---|---|
Nhà Cung Cấp | NXB Tổng Hợp TPHCM |
Tác giả | Chung Eun Im |
Người Dịch | Đào Thị Mỹ Khanh |
NXB | NXB Văn hóa Văn nghệ |
Năm XB | 2017 |
Trọng lượng (gr) | 481 |
Kích Thước Bao Bì | 16 x 24 x 1.7 cm |
Số trang | 347 |
Hình thức | Bìa Mềm |
“Hoàng hậu In Hyeon truyện” là tác phẩm tiểu thuyết cung đình duy nhất trong lịch sử văn học Hàn Quốc. Nội dung của các dị bản tuy có khác nhau nhưng đều chủ yếu nói về một sự kiện lịch sử, đó là quá trình bị phế vị rồi được phục vị của hoàng hậu In Hyeon xảy ra vào triều vua Suk Jong thời đại Joseon. Trong đó, vua Suk Jong là nhân vật trung tâm, hoàng hậu In Hyeon là hiện thân của cái thiện (善), còn hy tần Jang là điển hình của cái ác (惡). Tất nhiên, các nhân vật chính của tác phẩm là những người có liên quan trực tiếp tới sự kiện lịch sử ấy, còn câu chuyện về những người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự kiện ấy đều được xem là những câu chuyện kịch hóa hơn là những câu chuyện hư cấu.