Hành Trình Nhân Loại - Nguồn Gốc Của Thịnh Vượng Và Bất Bình Đẳng - Oded Galor
- Thương hiệu: AlphaBooks
-
Thông tin chi tiết
-
Mô tả sản phẩm
-
Bình luận sản phẩm
“Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng” được viết bởi Oded Galor - một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tăng trưởng và phát triển. Ông được đánh giá là một ứng cử viên danh giá cho giải Nobel Kinh tế và là một trong những bộ óc xuất chúng của thế kỷ 21.
Kể từ khi xuất bản đầu tiên bằng tiếng Hebrew năm 2020, cuốn sách ngay lập tức trở thành tác phẩm bán chạy nhất tại Israel. Và chỉ trong vòng 3 tháng, tác phẩm đã bán được bản quyền cho hơn 20 quốc gia và 30 vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam chính thức là ngôn ngữ thứ 30 mua bản quyền của cuốn sách này, từ bản tiếng Anh có cập nhật và chỉnh sửa.
Cuốn sách “Hành trình nhân loại” là tổng hợp phần lớn thành quả nghiên cứu của tác giả với lý thuyết mới chưa từng xuất hiện về lịch sử loài người, được bổ sung bằng những nghiên cứu thực nghiệm và định lượng, với nhiều dữ liệu mới; với nhiều bảng biểu số liệu hấp dẫn.
Nội dung sách tập trung trả lời 2 câu hỏi:
1. Bí ẩn của sự phát triển: Tại sao chúng ta là loài động vật duy nhất trên hành tinh (chỉ khá gần đây) thoát được khỏi cạm bẫy sinh tồn và tận hưởng mức sống vượt trội hơn tất cả những sinh vật khác?
2. Bí ẩn về hệ quả của Bất bình đẳng: Tại sao sự tiến bộ của nhân loại chúng ta lại diễn ra song song với sự bất bình đẳng trên toàn thế giới, dẫn đến sự chênh lệch lớn về sự giàu có của các quốc gia ngày nay?
Bố cục cuốn sách gồm hai phần:
1. Phần đầu tiên bắt đầu với sự tiến hóa của loài người và sự di chuyển ra khỏi châu Phi, sự xuất hiện của nền nông nghiệp định cư ở nhiều nơi trên thế giới, sự khởi đầu chậm chạp của tiến bộ công nghệ, cuối cùng là khởi động cuộc cách mạng công nghiệp, và đạt đến đỉnh điểm là tăng trưởng kinh tế hiện đại. Một số điểm có vẻ giống với những cuốn sách khác của Jared Diamond, David Landes và Harari, nhưng góc nhìn của Galor khá khác biệt. Theo quan điểm của ông, một khi thời kỳ đồ đá mới (tức cách mạng nông nghiệp) bắt đầu, các bánh xe đã bắt đầu truyền động năng cho cách mạng công nghiệp và sự bùng nổ của tiến bộ công nghệ sau đó. Chiến tranh, bệnh dịch, v.v. ảnh hưởng đến tốc độ dịch chuyển và thời điểm bùng nổ, chứ không phải là những vấn đề mấu chốt. Trọng tâm trong quan điểm của ông về thế giới không chỉ là tiến bộ công nghệ mà còn là động lực của mối quan hệ đan xen giữa tiến bộ công nghệ, giáo dục và tỷ lệ sinh - tất cả đều ảnh hưởng lẫn nhau theo những cách phi tuyến tính. Về mặt này, phần đầu tiên đã gói gọn phần lớn các nghiên cứu được trích dẫn nhiều của riêng ông, đã cho thấy sự khác biệt so với các cuốn sách khác.
2. Phần thứ hai của cuốn sách thì quay ngược lại điểm xuất phát của Homo Sapiens ở Châu Phi. Nếu đã cho rằng loài người, với sự tiến hóa ban đầu của bộ não và sự ưu đãi của tự nhiên, chắc chắn sẽ đi trên con đường dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp và tỉ lệ sinh sản giảm, thì tại sao tiến trình đó lại bắt đầu ở châu Âu và Vương quốc Anh? Tại sao châu Âu và các khu vực liên quan lại đi trước phần còn lại của thế giới một cách đột ngột như vậy? Ở đây, trong mỗi chương, ông đi ngược thời gian ngày càng xa hơn - bắt đầu từ quá trình thuộc địa hóa và ảnh hưởng khác nhau đối với các thể chế chính trị - được cho là do sự khác biệt về địa lý. Quay trở lại xa hơn, ông cũng xem xét sự xuất hiện của các nền văn hóa thích nghi tốt hơn với cách mạng công nghiệp so với các nền văn hóa khác (ví dụ: tầm quan trọng của định hướng dài hạn và chủ nghĩa cá nhân). Cuối cùng, và có lẽ là tham vọng nhất, ông lập luận rằng sự đa dạng di truyền không kiểu hình (không thể quan sát được) trong quần thể dẫn đến sự đánh đổi giữa niềm tin và sự đổi mới. Sự đa dạng di truyền này đánh dấu những ngả rẽ của con người từ Châu Phi (như đã được các nhà di truyền học ghi nhận).
Đây là cuốn sách với góc nhìn mới về hành trình phát triển của nhân loại mà bất kì độc giả phổ thông, những nhà nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách yêu thích, quan tâm đến lịch sử phát triển nhân loại, kinh tế phát triển, khoa học chính trị... đều nên đọc.
Ý nghĩa trên bìa sách: Các vòng tròn tỏa ra miêu tả sự phát triển của con người.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
“Có phạm vi và tham vọng chưa từng có… Tất cả độc giả sẽ học được điều gì đó, và nhiều người sẽ thấy cuốn sách hấp dẫn.” - The Washington Post
“Hành trình nhân loại cung cấp một lời giải thích hấp dẫn và tiết lộ những dòng chảy sâu sắc nhất đã hình thành lịch sử loài người, và mấu chốt để cải thiện giống loài của chúng ta.” - Nouriel Roubini
“Một cuộc hành trình tuyệt vời của con người, từ nguồn gốc của chúng ta đến việc thiết lập các nền văn minh và những chuyển đổi lớn hướng tới việc hình thành thế giới hiện đại. Galor giải đáp bí ẩn cuối cùng: dòng chảy lịch sử nào giải thích cho sự bất bình đẳng đáng kinh ngạc của các quốc gia ngày nay? Tinh tế, hùng hồn và dễ hiểu - nếu bạn thích Sapiens: Lược sử loài người, bạn sẽ thích cuốn sách này.” - Lewis Dartnell
“Một góc nhìn cực kỳ sáng tỏ về tiến bộ, quá khứ và tương lai, thứ cần thiết để giải quyết những thách thức lớn hiện nay - biến đổi khí hậu và bất bình đẳng có khả năng gây thảm họa.” - Diane Coyle
“Cuốn sách có lập luận sâu sắc này dệt từ các chủ đề của lịch sử kinh tế toàn cầu - công nghệ, nhân khẩu học, văn hóa, thương mại, chủ nghĩa thực dân, địa lý, thể chế - để giải cấu trúc tấm thảm phong phú là thế giới hiện đại.” - Dani Rodrik
“Một bản tường thuật về sự tiến hóa của văn minh nhân loại, từ tiền sử cho đến ngày nay. Hành trình Nhân loại được viết rất đẹp, bằng thứ văn xuôi thanh lịch và dễ tiếp cận. Như một bộ phim kinh dị hồi hộp đầy bất ngờ, những câu đố hóc búa và những hiểu biết sâu sắc!” - Glenn C. Loury
"Không chỉ là một lý thuyết ngắn gọn, thống nhất về tăng trưởng kinh tế kể từ khi loài người hiện đại phát triển, mà còn là một câu trả lời hấp dẫn và lạc quan cho bất kỳ ai nghĩ rằng nghèo đói và bất bình đẳng sẽ luôn ở bên chúng ta" - Ian Morris
“Tôi rất kinh ngạc về những nỗ lực của Oded Galor trong việc giải thích sự bất bình đẳng ngày nay là hệ quả của những lực tác động sâu sắc như vậy. Một đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết của chúng ta về tình trạng tiến thoái lưỡng nan này.” - Jim O'Neill
“Một nỗ lực vô cùng tham vọng đối với kinh tế học như những gì Newton, Darwin hay Einstein đã làm: phát triển một lý thuyết giải thích hầu hết mọi thứ. Một tác phẩm đầy cảm hứng, dễ đọc, không hề khó hiểu và uyên bác đến khó tin, nỗ lực táo bạo nhất có thể để viết nên lịch sử kinh tế của nhân loại." - The New Statesman
“Sự uyên bác và sáng tạo của Galor thật đáng chú ý, và những ý tưởng thể hiện trong cuốn sách này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế học.” - Steven N. Durlauf
TRÍCH ĐOẠN HAY
Lâu nay gần như ai cũng tin rằng mức sống đã tăng dần trong suốt lịch sử loài người. Niềm tin đó khá méo mó. Tuy hầu hết quá trình phát triển công nghệ quả thật diễn ra từ từ và tăng tốc theo thời gian, nhưng nó không dẫn đến sự cải thiện tương ứng của mức sống. Sự phát triển ngoạn mục về chất lượng sống trong những thế kỷ qua thật ra đã kết tinh từ một biến đổi đột ngột.
Chỉ mới vài thế kỷ trước đây thôi, hầu hết mọi người đều có cuộc sống chẳng khác gì tổ tiên xa xăm và y hệt như hầu hết những người khác trên toàn cầu hàng thiên niên kỷ trước, chứ không giống như các hậu duệ thời nay. Điều kiện sống của nông dân Anh vào đầu thế kỷ 16 tương tự như điều kiện sống của nông nô Trung Quốc thế kỷ 11, như nông dân Maya cách đây 1.500 năm, như người chăn gia súc Hy Lạp thế kỷ 4 TCN, hay như nông dân Ai Cập cách đây 5.000 năm, hoặc như những kẻ chăn cừu ở Jericho 11.000 năm về trước. Nhưng kể từ thuở bình minh của thế kỷ 19, chỉ là một tích tắc so với lịch sử tồn tại dài dằng dặc của loài người, tuổi thọ đã tăng hơn gấp đôi và thu nhập bình quân đầu người đã tăng 20 lần ở những vùng phát triển nhất thế giới, và tăng 14 lần nếu tính chung cả Trái đất (Hình 1).2
Sự tiến bộ liên tục vừa nêu quả thật triệt để đến mức chúng ta thường không để ý tới tính chất đặc biệt của giai đoạn này so với những thiên niên kỷ còn lại trong lịch sử loài người. Điều gì giải thích cho Bí ẩn tăng trưởng, tức sự biến đổi ngoài sức tưởng tượng về chất lượng sống trong vài thế kỷ qua về mặt sức khỏe, tiền tài và giáo dục, đã lấn át mọi thay đổi khác trên các phương diện này kể từ khi Homo sapiens ra đời?
Vào năm 1798, học giả người Anh, Thomas Malthus, đã đưa ra một lý thuyết có vẻ hợp lý về cơ chế khiến mức sống trì trệ và xã hội lâm vào cảnh đói nghèo triền miên từ thời xa xưa. Ông lập luận rằng bất cứ khi nào xã hội xoay xở để tạo ra thặng dư lương thực thông qua đổi mới công nghệ, thì sự cải thiện mức sống đạt được cũng chỉ là tạm thời vì nó chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ sinh và suy giảm tỉ lệ tử vong một cách tương ứng. Thế nên chỉ là vấn đề thời gian trước khi sự gia tăng dân số tiếp theo sẽ làm cạn kiệt lượng lương thực dư thừa, rồi cuộc sống sẽ quay lại mức bần hàn và xã hội lại nghèo khổ như trước.
Quả thật, vào thời kỳ được gọi là kỷ nguyên Malthus – tức là toàn bộ lịch sử loài người mãi cho tới sự tiến bộ nhảy vọt gần đây – thành quả của tiến bộ công nghệ chủ yếu hướng tới những nền dân số lớn với mật độ cao và hầu như đóng băng sự phồn vinh dài hạn của họ. Dân số gia tăng trong khi điều kiện sống trì trệ và gần như ở mức cùng đinh mạt hạng. Chênh lệch giữa các vùng về độ tinh xảo của công nghệ và năng suất đất đai được phản ánh qua mật độ dân số khác nhau, tuy nhiên, ảnh hưởng của những nhân tố này đối với mức sống chủ yếu vẫn là tạm thời. Nhưng trớ trêu thay, ngay khi Malthus vừa hoàn thành luận thuyết của ông và tuyên bố rằng ‘chiếc bẫy đói nghèo’ này sẽ tồn tại mãi mãi, thì cơ chế ông vạch ra đột nhiên sụp đổ và sự chuyển biến từ trì trệ sang tăng trưởng đã diễn ra.
Làm thế nào loài người thoát khỏi chiếc bẫy đói nghèo? Những nguyên nhân cơ bản nào đã kéo dài thời kỳ trì trệ? Biết đâu những lực chi phối suốt thời kỳ đóng băng kinh tế dài lê thê và việc chúng ta thoát khỏi thời kỳ đó sẽ giúp chúng ta nâng tầm hiểu biết về nguyên do khiến mức sống hiện nay trở nên quá bất bình đẳng trên toàn cầu?
Được thôi thúc bởi niềm tin và bằng chứng rằng muốn hiểu vì sao các nước lại quá chênh lệch nhau về mức độ giàu nghèo như thế, người ta phải xác định các động lực chính của quá trình phát triển trên bình diện tổng thể, tôi đã phát triển một lý thuyết thống nhất nhằm khái quát toàn bộ hành trình của nhân loại.4 Khi làm sáng tỏ những động lực chi phối quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên trì trệ sang kỷ nguyên tăng trưởng ổn định về mức sống, lý thuyết này cũng khai quật những dấu chân của quá khứ xa xôi trong số phận của các quốc gia.
VỀ TÁC GIẢ
Oded Galor (sinh năm 1953)
Giáo sư kinh tế Đại học Brown, Mỹ. Ông là người sáng lập Lý thuyết Tăng trưởng Thống nhất, với nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu quá trình phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử loài người, vai trò của các yếu tố sâu xa trong quá trình chuyển đổi từ trì trệ sang tăng trưởng và sự xuất hiện của bất bình đẳng trên khắp toàn cầu.
Oded Galor đã được Đại học Louvain và Đại học Kinh tế & Kinh doanh Poznań trao bằng Tiến sĩ Danh dự.
Ông là thành viên của Viện Hàn lâm châu Âu và Hiệp hội Kinh tế lượng, đồng thời góp mặt trong nhiều tổ chức uy tín khác.
Ông được đánh giá là một ứng cử viên danh giá cho giải Nobel Kinh tế và là một trong những bộ óc xuất chúng của thế kỷ 21.
Mã hàng | 8935270703622 |
---|---|
Tên Nhà Cung Cấp | Alpha Books |
Tác giả | Oded Galor |
Người Dịch | Trần Thị Kim Chi, Đỗ Ngọc Quỳnh Chi |
NXB | Dân Trí |
Năm XB | 2022 |
Trọng lượng (gr) | 300 |
Kích Thước Bao Bì | 24 x 16 x 1.5 cm |
Số trang | 300 |
Hình thức | Bìa Mềm |