Chim Trắng - Lời Chào Ngọn Gió - Ý Nhi
- Thương hiệu: NXB Văn Hoá Văn Nghệ
-
Thông tin chi tiết
-
Mô tả sản phẩm
-
Bình luận sản phẩm
Chim Trắng là tác giả viết không nhiều, rất chắt chiu ngôn từ. Hai mươi chín bài thơ di cảo trong Lời chào ngọn gió càng khắc họa thêm phong cách của thi sỹ rặt tính Nam bộ này. Nhà thơ Thanh Thảo là bạn thân thiết của ông đã viết: "Thơ Chim Trắng không giáo huấn ai, không dắt dẫn ai, thậm chí rất kiệm lời khi giãi bày, thơ ấy cô đơn như con chim sẻ cuối cùng trong bầy chim sẻ đậu nơi vườn nhà anh và sắp vụt bay...", Chim Trắng là "con người chỉ ước ao mình là hạt gạo lót lòng cho chim sẻ, người có những câu thơ thật buồn bã ấy, trong cuộc sống lại là một người rất kiên nghị, sống đầy lý tưởng, thậm chí khắc kỷ với lý tưởng yêu nước của mình".
Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì bày tỏ: "Khi nghĩ về nhà thơ Chim Trắng, tôi thường nghĩ nhiều hơn về con người ông, về sự chăm lo chu đáo, về tình cảm ông dành cho các cây bút trẻ. Tôi chưa thấy một nhà thơ đàn anh nào quý trọng các cây bút trẻ như Chim Trắng... Chim Trắng là người trực tính, ngay thẳng, yêu ghét rõ ràng. Ông là một nhân cách lớn cả trong văn chương lẫn trong đời sống".
Nhà thơ Chim Trắng tên thật là Hồ Văn Ba, sinh năm 1938 tại Bến Tre, tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào "Bảo vệ hòa bình" của luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ năm 1955, ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nghệ sĩ thời chống Mỹ, bút danh Chim Trắng là ông bày tỏ khát vọng về ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Có đâu như ở miền Nam (1968) là tập thơ đầu tay của Chim Trắng, in chung với Lê Anh Xuân và Viễn Phương.
Một tuần trước ngày kỷ niệm 1 năm ra đi (ông mất ngày 21/9/2011) của nhà thơ Chim Trắng, NXB Văn hóa Văn nghệ cùng nhà thơ Ý Nhi và Quỹ Tình thơ (nơi Chim Trắng làm cố vấn, chuyên giúp các nhà thơ gặp khó khăn trong đời sống, cũng như việc quảng bá tác phẩm) của nhà thơ Lâm Xuân Thi đã ấn hành tập thơ di cảo Lời chào ngọn gió.
Tập thơ gồm 29 bài thơ chưa in sách của Chim Trắng được nhà thơ Ý Nhi tập hợp lại sau ngày ông qua đời. Cuốn sách còn có nhiều tư liệu ảnh lần đầu tiên công bố, cùng những bài viết về cố thi sỹ của Thanh Thảo, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hữu Dũng, Hồ Thi Ca, Lê Thị Kim, Ý Nhi, Huỳnh Như Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Ngọc Tư...